PHÂN LOẠI TẾ BÀO GỐC DỰA TRÊN NGUỒN GỐC

PHÂN LOẠI TẾ BÀO GỐC DỰA TRÊN NGUỒN GỐC

1. Tế bào gốc phôi

Tế bào gốc phôi (Embryonic Stem Cells- ESC) là các tế bào đa năng có ở phôi giai đoạn sớm cho đến giai đoạn phôi nang. Các tế bào này có tiềm năng biệt hóa cao. Tuy nhiên, để có được tế bào gốc phôi, người ta phải tách từ phôi nang, mặc dù được tạo thành một cách nhân tạo nhưng cũng nảy sinh vấn đề đạo đức. Liên quan đến tế bào gốc phôi hiện chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu. (2)

2. Tế bào gốc trưởng thành

Ở các mô trưởng thành cũng sở hữu một lượng tế bào gốc và được gọi là tế bào gốc trưởng thành (Adult Stem Cells – ASC). Tế bào gốc trưởng thành có tiềm năng biệt hóa thấp hơn tế bào gốc phôi, nhưng nghiên cứu và ứng dụng không vấp phải vấn đề đạo đức. Ứng dụng của tế bào gốc trưởng thành hiện nay chủ yếu dựa trên tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô. Tế bào gốc tạo máu có thể thu được từ tủy xương, từ máu ngoại vi và từ máu dây rốn. Tế bào gốc trung mô có thể thu được từ tủy xương, mô mỡ, mô dây rốn.

nguon goc tbg

3. Tế bào gốc từ mô dây rốn

Mô dây rốn kết nối giữa nhau thai và bào thai có chứa nhiều loại tế bào gốc khác nhau nằm trong nhóm tế bào gốc nhũ nhi (Infant Stem Cells), có thể kể đến như: Tế bào gốc biểu mô (Epithelial Stem Cells), tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem Cells – MSCs) và tế bào gốc nội mô (Endothelial Stem Cells)…

Mỗi loại tế bào gốc từ mô dây rốn đều là những tế bào đa năng, có thể biệt hóa thành tế bào trong hệ thần kinh, da, sụn, xương… giúp hỗ điều trị các bệnh lý ở các cơ quan liên quan. Loại tế bào được nghiên cứu và thử nghiệm nhiều nhất hiện nay là tế bào gốc trung mô MSCs. Tế bào MSCs từ mô dây rốn có nhiều ưu điểm so với tế bào MSCs từ mô mỡ và tủy xương do việc thu thập không xâm lấn, số lượng nhiều, tăng sinh dễ dàng, tế bào còn non trẻ chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi các tác động của môi trường. Tuy nhiên, MSCs từ mô dây rốn cần thu thập ngay sau khi em bé được sinh ra và lưu trữ ở điều kiện thích hợp cho đến khi sử dụng.

4. Tế bào gốc từ máu dây rốn

Máu dây rốn có chứa nhiều tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic stem cells -HSCs), đã được chứng minh là có thể sử dụng cho ghép tế bào gốc tạo máu thay thế cho việc ghép tủy xương trước đây. Giống như tế bào MSCs từ mô dây rốn, tế bào gốc máu dây rốn cũng cần được thu thập và lưu trữ ngay sau khi em bé được sinh ra.

Tế bào gốc tạo máu từ máu dây rốn đã được ứng dụng trong việc điều trị hơn 80 loại bệnh khác nhau. Hiện nay, FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Mỹ) đã chấp thuận việc ứng dụng tế bào gốc từ máu dây rốn trong điều trị nhiều loại bệnh hiểm nghèo liên quan đến hệ tạo máu.

5. Tế bào gốc đa năng cảm ứng

Tế bào gốc đa năng cảm ứng (Induced Pluripotent Stem Cells – iPSC) hay còn gọi là tế bào gốc đa năng nhân tạo, là các tế bào được tạo thành từ tế bào soma hay tế bào sinh dưỡng đã được tái lập trình trở lại thành tế bào gốc nhờ cảm ứng bằng các yếu tố phiên mã. Tế bào iPSC có tiềm năng ứng dụng rất lớn, tuy nhiên, chi phí rất tốn kém, vì vậy chủ yếu cũng đang ở giai đoạn nghiên cứu.

News- Tin tứcカテゴリの最新記事