Thường xuyên kiểm tra đường huyết, chăm sóc bàn chân và răng miệng, ăn uống phù hợp và tập thể dục… giúp người bệnh sống tốt hơn với bệnh tiểu đường.
Chăm sóc người bệnh tiểu đường đúng cách có thể giảm nguy cơ biến chứng và sống chung với bệnh tốt hơn. Dưới đây là 12 “chìa khóa” giúp quản lý bệnh tiểu đường hiệu quả.
Luôn kiểm tra đường huyết]
Việc kiểm tra và quản lý đường huyết là rất quan trọng với bệnh nhân tiểu đường. Đường huyết cao có thể dẫn đến các biến chứng như: tổn thương dây thần kinh; loét chân; bệnh về da và nướu; bệnh về mắt, thận, tim mạch; rối loạn chức năng tình dục… Hai biến chứng có thể đe dọa tính mạng khi đường huyết rất cao là nhiễm toan ceton và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu bệnh tiểu đường. Giữ đường huyết ổn định giúp giảm nguy cơ các biến chứng.
Người bệnh có thể đo đường huyết tại nhà hoặc tại cơ sở y tế. Người bệnh cũng nên xét nghiệm mức A1C để biết lượng đường trong máu trong ba tháng qua. Mức đường huyết lý tưởng là khi chỉ số này ít hơn 7%, giữ ổn định sức khỏe. Người đang uống thuốc điều trị tiểu đường như insulin nên kiểm tra đường huyết trước khi dùng, trước bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ.
Kiểm soát huyết áp
Bệnh tiểu đường và huyết áp cao thường đi đôi với nhau, cả hai là điều kiện làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Khoảng 80% người trưởng thành Mỹ mắc tiểu đường bị cao huyết áp. Người bệnh cần kiểm soát huyết áp để giảm biến chứng về tim mạch, huyết áp ổn định là dưới 130/80 mmHg.
Giảm mức cholesterol
Cholesterol cao thường xảy ra với bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Vì vậy người bệnh cần duy trì mức cholesterol hợp lý. Có thể dùng statin điều trị cholesterol cao (theo chỉ định của bác sĩ) để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Thường xuyên kiểm tra thận
Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận mạn tính. Kiểm soát lượng đường trong máu có thể ngăn sự phát triển và tiến triển của bệnh thận. Bệnh thận thường không có triệu chứng nào trong giai đoạn đầu. Do đó, người bệnh cần xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi chức năng thận.
Khám mắt định kỳ
Bệnh về mắt do tiểu đường có thể dẫn đến các vấn đề thị lực và mù lòa. Đường huyết cao gây mờ mắt, theo thời gian, tình trạng này có thể gây ra bệnh võng mạc, phù hoàng điểm (sưng mắt), đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp… Đừng bỏ qua bất kỳ triệu chứng nào về mắt như nổi bóng nước mới, chớp sáng hoặc các vấn đề về thị lực khác. Người tiểu đường cần kiểm tra mắt thường xuyên hoặc ít nhất mỗi năm một lần.
Chăm sóc răng miệng
Tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu, sâu răng và nhiễm trùng do lượng đường dư thừa trong nước bọt, gây khô miệng và vết thương lâu lành. Để giữ cho răng miệng khỏe mạnh, người tiểu đường nên thường xuyên gặp nha sĩ để kiểm tra và chăm sóc răng (6 tháng một lần), đánh răng mỗi ngày hai lần, dùng chỉ nha khoa hàng ngày, tránh thuốc lá…
Chăm sóc chân
Lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ loét chân, có thể dẫn đến nhiễm trùng da, mô mềm và xương. Trường hợp nghiêm trọng phải cắt cụt chi. Bệnh nhân tiểu đường duy trì sức khỏe bàn chân bằng cách: mang tất và giày vừa vặn, thoải mái, không cọ xát hoặc gây phồng rộp; cắt móng chân và kiểm tra bàn chân thường xuyên để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng, da bị hỏng hoặc thương tích. Bạn nên đến gặp bác sĩ ít nhất một lần mỗi năm để kiểm tra chân.
Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các dây thần kinh ở bàn chân nên đôi khi người bệnh không nhận thấy đau hay chấn thương, vết loét đã và đang xảy ra. Do đó, cần quan sát kỹ, các dấu hiệu để nhận biết bàn chân tổn thương do tiểu đường: da đổi màu, nứt nẻ, rộp, đỏ và sưng quanh móng chân, tiết dịch lỏng hoặc mủ… Khi có các dấu hiệu này, người bệnh nên đi khám và điều trị kịp thời.
Uống thuốc theo đơn
Uống thuốc theo đúng chỉ định là một trong những cách để quản lý lượng đường trong máu ổn định, cholesterol và huyết áp. Tùy thuộc vào mức độ kiểm soát bệnh, người bệnh nên gặp bác sĩ từ 3-6 tháng một lần để đo mức A1C (mức đường huyết trung bình trong ba tháng), từ đó bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp.
Chế độ ăn uống phù hợp
Thực hiện một chế độ ăn uống thân thiện với bệnh tiểu đường giúp kiểm soát bệnh tốt hơn. Người bệnh cần cắt giảm lượng carbohydrate (tinh bột và đường) trong ăn uống hàng ngày. Bạn nên tránh thực phẩm nhiều đường (bánh ngọt, kẹo, nước ngọt,…), carbohydrate tinh chế (bánh mì trắng, mì ống, gạo trắng,..), carbohydrate đã qua xử lý cao (khoai tây chiên, thanh ngũ cốc). Mọi người nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp là thực phẩm có carbohydrate được tiêu hóa chậm hơn và giàu chất xơ, ví dụ ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, các loại rau ít tinh bột và rau lá xanh, các loại đậu…
Tập thể dục
Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên để kiểm soát đường huyết và quản lý cân nặng hiệu quả hơn. Người bị tiểu đường nên đặt mục tiêu vận động 150 phút mỗi tuần như: đi bộ, tham gia các lớp nhày, chơi quần vợt, đi xe đạp, bơi lội… Tập thể dục rất có lợi cho sức khỏe tim mạch, tâm trạng cũng như sức khỏe cơ và xương. Thay đổi chế độ ăn uống cùng với tập thể dục và giảm cân giúp giảm lượng đường trong máu. Một số người có thể thuyên giảm bệnh tiểu đường type 2 theo cách này.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá có nhiều tác hại đối với sức khỏe, tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư… Người bệnh tiểu đường vốn dĩ đã có nguy cơ cao mắc bệnh tim và đột quỵ. Do đó, bỏ thuốc lá giúp giảm phát triển hai biến chứng này cũng như bệnhh khác. Ngoài ra, nicotine trong thuốc lá còn làm tăng đường huyết, dẫn đến phát triển bệnh tiểu đường type 2.
Giữ tinh thần lạc quan
Bệnh tiểu đường có thể khiến người bệnh lo lắng về các biến chứng, thất vọng và hụt hẫng khi phải thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Trầm cảm là bệnh thường gặp ở người tiểu đường do các lo lắng hoặc tác dụng phụ của thuốc. Điều này gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống và chính việc kiểm soát tiểu đường. Kiểm soát tâm trạng và giữ tinh thần lạc quan giúp họ sống chung với bệnh tiểu đường hiệu quả hơn và vui vẻ hơn.