Một cốc cà phê vào buổi sáng sẽ có lợi cho lá phổi nhờ hàm lượng chất chống viêm, trong khi đó rượu có thể làm trầm trọng thêm chứng hen suyễn.
Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, bảo vệ sức khoẻ phổi. Dưới đây là các thực phẩm nên dung nạp, hạn chế để giúp phổi hoạt động ở trạng thái tốt.
Thực phẩm có lợi
Chất xơ: Quả mâm xôi, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu đen giàu chất xơ, tốt cho phổi. Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều chất xơ có phổi hoạt động tốt hơn những người không ăn nhiều dưỡng chất. Các loại thực phẩm giàu chất xơ khác gồm: lúa mì nguyên cám, đậu nướng, hạt chia, hạt quinoa, lê và bông cải xanh.
Cà phê: Nghiên cứu chỉ ra cà phê giúp phổi khỏe mạnh hơn. Điều này có thể là do caffeine, chất chống viêm, polyphenol, chất chống oxy hóa.
Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt tốt cho phổi. Thực phẩm này giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, chống viêm, giàu vitamin E, selen, axit béo thiết yếu tốt cho sức khỏe phổi. Các loại ngũ cốc tinh chế, như bột mỳ trắng, gạo trắng mất nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình xay xát.
Quả mọng: Các loại trái cây màu đỏ, xanh như việt quất, dâu tây giàu flavonoid (gọi là anthocyanin) giúp tạo màu sắc, chất chống oxy hóa mạnh. Nghiên cứu cho thấy dưỡng chất này có thể làm chậm quá trình suy giảm tự nhiên của phổi khi già đi. Trong một nghiên cứu, những người đàn ông lớn tuổi ăn ít nhất 2 phần quả việt quất mỗi tuần ít bị suy giảm chức năng phổi hơn những người ăn ít hơn hoặc không ăn quả việt quất.
Sản phẩm từ sữa: Nghiên cứu cho thấy uống sữa và ăn pho mát… tốt cho phổi. Tuy nhiên, với người mắc hen suyễn, sản phẩm từ sữa có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng vì chúng làm tăng sản xuất chất nhầy trong phổi.
Cà chua: Nguồn cung cấp lycopene dồi dào, giúp bảo vệ sức khỏe của phổi. Ăn cà chua, các sản phẩm từ cà chua như nước ép có thể cải thiện tình trạng viêm đường thở nếu bị hen suyễn, giảm nguy cơ tử vong nếu mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Lycopene cũng giúp giảm thiểu sự suy giảm chức năng phổi ở những người trẻ tuổi.
Thực phẩm có hại
Thịt xông khói: Các nhà nghiên cứu cho rằng nitrit được sử dụng trong chế biến, bảo quản thịt đã qua xử lý có thể gây viêm phổi. Thịt xông khói, giăm bông, thịt nguội và xúc xích đều thuộc nhóm thịt qua chế biến.
Bia, rượu: Uống nhiều rượu bia có hại cho gan, phổi. Sulfite trong rượu có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng hen suyễn. Nếu uống quá nhiều, cơ thể sẽ dễ bị viêm phổi, gặp vấn đề về phổi khác. Việc uống 2 ly hoặc ít hơn mỗi ngày (đặc biệt nếu là rượu vang) có thể tốt cho sức khỏe phổi.
Đồ uống có đường: Một nghiên cứu cho thấy người lớn uống hơn 5 loại nước ngọt có đường mỗi tuần có nhiều khả năng bị viêm phế quản liên tục, trẻ em tăng nguy cơ bị hen suyễn.
Ăn nhiều muối: Ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh về phổi, dễ bị viêm phế quản lâu dài. Chế độ ăn nhiều natri cũng góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn. Để bảo vệ sức khỏe mỗi người nên tự chế biến thức ăn, tránh thực phẩm đóng gói, đọc thành phần khi mua sản phẩm. Chế độ ăn giới hạn 1.500 – 2.300 mg natri mỗi ngày.