Caffein trong cà phê giải phóng các hormone noradrenaline và norepinephrine làm tăng nhịp tim, kích thích tim co bóp mạnh hơn.
Caffein trong cà phê, trà có thể thúc đẩy tâm trạng, trao đổi chất cũng như tăng hiệu suất tinh thần và thể chất. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cà phê an toàn cho người lớn khi tiêu thụ với liều lượng thấp hoặc trung bình. Những người sử dụng caffeine liều cao (từ 1.000 mg một ngày) thường gặp phải các tác dụng phụ khó chịu. Một số người chỉ uống lượng nhỏ cà phê đã cảm thấy mệt mỏi, hồi hộp, tim đập nhanh… thì nguyên nhân có thể do cơ thể nhạy cảm với caffeine, say cà phê,… hoặc có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch tiềm ẩn, tuy nhiên trường hợp này hiếm.
Caffein khi vào cơ thể sẽ ngăn chặn tác động của adenosine – chất hóa học trong não, gây mệt mỏi. Đồng thời, nó kích hoạt giải phóng adrenaline, hormone tăng cường năng lượng.
Khi uống cà phê sẽ có các tác động đến tim như sau:
Nhịp tim nhanh: Tim đập nhanh là cảm giác tim đập không đều, lúc quá mạnh, lúc nhanh hoặc cảm giác rung động. Tác động kích thích của caffeine khiến tim bạn đập nhanh, thay đổi nhịp tim, gây rung tâm nhĩ. Tuy nhiên, hiệu ứng này dường như không xảy ra ở tất cả mọi người. Một số người có thể “miễn nhiễm” với cà phê nên không gặp tác dụng phụ gì dù tiêu thụ lượng khá lớn mỗi ngày.
Co bóp tim: Caffeine có thể tác động lên các enzym kích thích co bóp tim. Vì vậy, cà phê có tác dụng tăng cường mức năng lượng nhưng cũng có thể gây ra tác dụng ngược, dẫn đến tình trạng mệt mỏi sau khi caffeine đã được đào thải khỏi cơ thể.
Một đánh giá tổng hợp từ 41 nghiên cứu của Mỹ cho thấy mặc dù đồ uống tăng lực có chứa caffeine làm tăng sự tỉnh táo và cải thiện tâm trạng trong vài giờ nhưng người uống thường mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau.
Cơ thể có thể thích ứng với tác động của caffeine. Do đó, những người khỏe mạnh thường xuyên uống cà phê ít gặp các triệu chứng như tim đập nhanh. Nếu một người uống cà phê và cảm thấy tim đập nhanh hơn so với khi uống sữa, uống nước ngọt… thì nên thử từng ít một trước khi tăng liều lượng.