Nhóm nghiên cứu từ ĐH Osaka Metropolitan tạo ra một loại vaccine giúp kích hoạt các tế bào miễn dịch chống ung thư
Công trình được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Controlled Release, ngày 3/11. Các chuyên gia đã tạo ra chất mang kháng nguyên – sử dụng liposome dựa trên các phân tử lipid có kích thước nano – để vận chuyển các kháng nguyên ung thư đến tế bào đuôi gai. Tế bào này có chức năng như trung tâm điều khiển hệ thống miễn dịch.
Nhóm đã tạo ra loại liposome có tác dụng kích hoạt tế bào miễn dịch, chỉ cần sử dụng 10% lượng kháng nguyên cần thiết trước đó. Để tăng cường hiệu quả của các liposome này, tế bào miễn dịch cần được kích hoạt một cách hiệu quả hơn. Do đó, nhóm chuyên gia tập trung vào các chất béo cation, được cho là có tác dụng thúc đẩy tế bào miễn dịch hoạt động.
Khi sử dụng vaccine liposome tiêm cho chuột đã được cấy tế bào ung thư, các nhà khoa học nhận thấy chúng phát triển phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, làm giảm sự phát triển của ung thư.
“Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chế các chất mang kháng nguyên có thể sử dụng trong liệu pháp miễn dịch ung thư, tạo ra các vaccine cho các bệnh truyền nhiễm bằng cách kết hợp chúng với các kháng nguyên thực tế”, phó giáo sư Eiji Yuba, Đại học Osaka Metropolitan, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nếu công nghệ này được áp dụng vào thực tế, nó có thể mở rộng các đối tượng mắc bệnh ung thư được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.
Việc sử dụng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư được chú ý trong thời gian gần đây. Tháng 8, các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công thuốc điều trị miễn dịch có tên dostarlimab. Thuốc giúp chữa khỏi ung thư trực tràng cho 12 tình nguyện viên của thử nghiệm kéo dài 6 tháng.
Dostarlimab không hoạt động bằng cách tấn công trực tiếp vào chính khối u ung thư, mà thúc đẩy hệ thống miễn dịch của bệnh nhân thực hiện điều này.
Thông thường, tế bào T (tế bào miễn dịch) có nhiệm vụ tìm kiếm và kiểm soát các mầm bệnh lạ. Chúng chứa hai loại protein: loại một giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch, loại hai hạn chế khả năng miễn dịch. Đây được gọi là những protein điểm kiểm soát.
Một số tế bào ung thư tạo ra lượng protein loại hai cao. Chúng bất hoạt tế bào T trước khi khối u biến mất. Nói cách khác, tế bào ung thư khiến hệ miễn dịch ở người bệnh đình trệ.
Thuốc dostarlimab ngăn chặn các protein điểm kiểm soát loại hai, tức là ngăn chặn ảnh hưởng của tế bào ung thư lên hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch hoạt động trở lại, các tế bào T có thể tìm thấy và tấn công tế bào ung thư.