Béo phì, thiểu năng sinh dục, tổn thương, viêm, tinh hoàn lạc chỗ,… là những bệnh lý phát sinh ở nam giới do mức testosterone thấp.
Testosterone là một loại hormone giới tính được sản xuất trong tuyến sinh dục của nam giới và buồng trứng của nữ giới. Quá trình sản xuất hormone này được quy định bởi tuyến yên và vùng dưới đồi trong não.
Nguyên nhân khiến lượng testosterone thấp là do thiểu năng sinh dục nguyên phát hoặc thứ phát. Thực tế, nồng độ testosterone của đàn ông thường dao động tự nhiên khi già đi và lão hóa.
Nghiên cứu về mức testosterone thấp ở nam giới do các chuyên gia của khoa Tiết niệu, Đại học Miami Miller (Mỹ) và Bệnh viện Lenox Hill, Trường Y khoa Donald và Barbara Zucker tại Hofstra (Mỹ), đã phát hiện gần 40% nam giới trên 45 tuổi có mức testosterone thấp và 50% người từ 80 tuổi trở lên gặp phải tình trạng này.
Lượng testosterone ở nam giới không đủ sẽ dẫn đến tình trạng mất hoặc suy giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, số lượng tinh trùng thấp, đau vú, mệt mỏi, tăng mỡ trong cơ thể, vô sinh, mất năng lượng, khối lượng cơ. Đặc biệt, lượng testosterone ở nam giới thấp còn làm giảm kích thước tinh hoàn, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, thường xuyên mất tập trung.
Testosterone thấp hay suy sinh dục là tình trạng thường gặp ở người mắc bệnh tiểu đường type 2, béo phì, đàn ông chuyển giới. Dưới đây là những bệnh lý có liên quan tới mức testosterone ở nam giới.
Thiểu năng sinh dục nguyên phát:
Tinh hoàn của nam giới hoạt động kém sẽ dẫn đến suy sinh dục nguyên phát. Tình trạng này có thể xảy ra do yếu tố di truyền, tai nạn, chấn thương.
Tinh hoàn lạc chỗ:
Đây là tình trạng tinh hoàn ở sai vị trí, không xuống bụng trước khi trẻ nam chào đời.
Hội chứng Klinefelter:
Hội chứng này là một bệnh di truyền khiến những người đàn ông sinh học được sinh ra với ADN thừa nhiễm sắc thể X trong tế bào. Nam giới mắc bệnh này có thể không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc có nhiều triệu chứng khác nhau như tinh hoàn nhỏ hơn bình thường, sản xuất ít testosterone.
Rối loạn di truyền Hemochromatosis:
Nam giới gặp phải tình trạng này thường bị thừa nhiều sắt trong máu gây suy tinh hoàn hoặc tổn thương tuyến yên.
Chấn thương tinh hoàn, viêm tinh hoàn do quai bị gây suy giảm testosterone.
Điều trị ung thư:
Quá trình hóa trị hoặc xạ trị có thể làm tổn thương tinh hoàn.
Suy sinh dục thứ phát:
Những tổn thương tuyến yên hoặc vùng dưới đồi của não kiểm soát việc sản xuất hormone có thể khiến mức testosterone giảm. Các bệnh lý liên quan đến suy sinh dục thứ phát gồm rối loạn tuyến yên do thuốc, suy thận hoặc khối u nhỏ, hội chứng Kallmann (tình trạng liên quan đến chức năng vùng dưới đồi bất thường), các bệnh viêm nhiễm như lao, sarcoidosis, bệnh mô bào, HIV/AIDS, có thể ảnh hưởng đến tuyến yên và vùng dưới đồi.
Lão hóa:
Quá trình cơ thể lão hóa có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất testosterone của nam giới.
Béo phì:
Chất béo trong cơ thể ở mức cao có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và phản ứng của hormone.
Thuốc:
Người uống nhiều thuốc giảm đau opioid và steroid có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến yên và vùng dưới đồi.
Rối loạn nội tiết tố và di truyền:
Nồng độ hormone prolactin cao, rối loạn tuyến giáp, khối u hoặc rối loạn chức năng của tuyến yên có thể dẫn đến mức testosterone thấp. Đây cũng là một dấu hiệu đặc trưng của các bệnh lý di truyền.
Ngoài ra, tinh thần thường xuyên căng thẳng, sức khỏe giảm sút do bệnh tật hoặc phẫu thuật có thể khiến hệ thống sinh sản nam giới tạm thời ngừng hoạt động.