Xông hơi với nước quá nóng:
xông hơi khá hiệu quả để làm dịu và giữ ẩm cho các xoang, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Mọi người thường áp dụng biện pháp này bằng cách đun sôi một nồi nước, trùm một chiếc khăn lên đầu và hít lấy hơi nước tỏa ra. Tuy nhiên, nếu xông hơi với nước quá nóng hoặc để mặt quá gần nước, bạn có nguy cơ bị bỏng cao. Hơi nước quá nóng làm tổn thương niêm mạc mũi, mục đích làm ẩm cho các xoang không đạt hiệu quả. Đây là lý do vì sao, các chuyên gia y tế không bao giờ khuyến khích áp dụng biện pháp xông hơi cho trẻ dưới 7 tuổi.
Bôi tinh dầu lên mũi:
các loại tinh dầu, đặc biệt là dầu khuynh diệp, có thể giúp bạn thư giãn khi mệt mỏi, giúp thông mũi và giảm cảm giác tắc nghẽn. Song không nên dùng tinh dầu để bôi lên mũi. Hầu hết các loại tinh dầu đều mạnh, việc thoa trực tiếp lên da, nhất là vùng mô nhạy cảm như mũi dễ làm tổn thương bộ phận này.
Thay vào đó, bạn có thể dùng đèn xông tinh dầu, máy khuếch tán không khí, nhỏ vài giọt tinh dầu vào bồn tắm hoặc nồi nước. Bạn cũng có thể nhỏ một hoặc 2 giọt lên miếng bông gòn và ngửi ở khoảng cách xa.
Dùng các loại thuốc trị nhiễm trùng xoang không cần thiết:
nếu các triệu chứng nhiễm trùng xoang xảy ra dưới một tuần và không kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác, người bệnh không nhất thiết phải dùng kháng sinh.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với virus thông thường gây nhiễm trùng xoang. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến kháng thuốc; gây ra tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến dạ dày, ruột…
Một sai lầm trong dùng thuốc điều trị nhiễm trùng xoang khác là cha mẹ cho con uống thuốc thông mũi mua ở hiệu thuốc. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2018 trên Tạp chí Y học Anh, không có bằng chứng nào cho thấy thuốc thông mũi có thể giúp ích cho các triệu chứng nhiễm trùng xoang của trẻ..
Dùng nước muối và dung dịch tự chế:
rửa mũi, hoặc nhỏ dung dịch nước muối vào xoang là cách hiệu quả giúp cải thiện các triệu chứng nhiễm trùng xoang. Nhưng, điều quan trọng là dung dịch nhỏ mũi đó phải được khử trùng, chuyên dụng chứ không phải nước tự pha với muối ăn sử dụng hàng ngày. Việc sử dụng nước muối tự chế tiềm ẩn nhiều nguy cơ ký sinh trùng nguy hiểm vào xoang.
Cho trẻ uống mật ong khi tắc nghẽn xoang:
đối với trẻ em trên một tuổi và người lớn, mật ong pha nước ấm có hiệu quả làm dịu cơn đau họng đi kèm với chảy dịch xoang. Mật ong giúp chống lại vi trùng trong cơ thể, các thành phần của mật ong có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm…Tuy nhiên, Học viện Nhi khoa Mỹ cảnh báo, cha mẹ không bao giờ nên dùng mật ong cho trẻ nhỏ hơn một tuổi vì nó có thể dẫn đến ngộ độc.