Ngày nay người ta biết rõ ung thư không phải do một nguyên nhân gây ra. Tùy theo mỗi loại ung thư mà có những nguyên nhân riêng biệt. Một tác nhân sinh ung thư có thể gây ra một số loại ung thư và ngược lại một loại ung thư có thể do một số tác nhân khác nhau.
Bệnh ung thư là gì?
Ung thư là bệnh xảy ra khi xuất hiện tế bào bất thường, phát triển không kiểm soát và tập hợp tạo thành khối u. Dần dần, tế bào ung thư sẽ xâm lấn và phá hủy các mô cơ thể bình thường, bắt đầu từ cơ quan nguyên phát cho đến toàn cơ thể.
Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện được hơn 200 loại bệnh ung thư, với tên bệnh được đặt theo cơ quan khởi phát tế bào ung thư và đặc trưng bệnh. Ví dụ ung thư bắt đầu từ phổi được gọi là ung thư phổi nguyên phát (thường gọi tắt là ung thư phổi), khi ung thư di căn đến gan, gọi là ung thư gan thứ phát,…
Các loại ung thư phổ biến hiện nay gồm: Ung thư đại tràng và trực tràng, ung thư gan, ung thư cổ tử cung (chỉ có ở nữ giới), ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến tụy, bệnh bạch cầu (ung thư máu),… Hầu hết bệnh ung thư không có triệu chứng lâm sàng giai đoạn khởi phát, nên chỉ phát hiện sớm khi khám sàng lọc hoặc vô tình khám bệnh ở cơ quan liên quan.
Triệu chứng ung thư dựa trên cơ quan khởi phát và ảnh hưởng của nó, khi xuất hiện triệu chứng toàn thân thì khả năng cao ung thư đã di căn khắp cơ thể. Việc điều trị và loại bỏ ung thư lúc này gặp nhiều khó khăn dù các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu tìm phương pháp điều trị hiệu quả.
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư
Nguyên nhân chính xác gây các bệnh ung thư hầu hết chưa được xác định, tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ đặc biệt giữa ung thư và các thay đổi gen trong tế bào. Gen có mặt trong mỗi tế bào cơ thể người, là hệ thống điều khiển hoạt động, điều hòa sự phát triển và phân chia tế bào. Gen bị đột biến ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng tế bào, thường khiến tế bào bị phát triển quá mức. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đột biến gen như:
Yếu tố di truyền
Bệnh ung thư xảy ra do các tế bào bị đột biến phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể.
Theo thời gian, các tế bào đột biến sẽ không ngừng tăng lên về số lượng và kích thước. Sau đó, chúng sẽ hình thành nên khối u ác tính và bắt đầu xâm lấn sang các cơ quan, bộ phận khác để phá hủy cơ thể. Mặc dù, ung thư có tính di truyền từ đời này sang đời khác nhưng tỷ lệ di truyền thấp, chỉ khoảng 5 – 10%. Khi bị hội chứng Lynch, người trẻ tuổi có thể mắc ung thư ruột kết và ung thư tử cung. Đây là một trong những rối loạn di truyền có khả năng ngăn chặn các tế bào sửa chữa DNA, từ đó dẫn đến hiện tượng đột biến gen. Ngoài ra, chị em phụ nữ có thể mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng nếu cơ thể có chứa họ gen BRCA. Đặc biệt đối với những người có mẹ hoặc chị gái mắc đã từng mắc bệnh trước đó, thì nguy cơ mắc ung thư sẽ càng cao.
Yếu tố môi trường
Bức xạ ion hóa
Bức xạ ion hóa chính là nguồn tia phóng xạ phát ra từ các chất phóng xạ tự nhiên hoặc từ nguồn xạ nhân tạo được dùng trong khoa học và y học có khả năng ion hóa vật chất khi bị chiếu xạ. Người ta biết rằng có nhiều cơ quan xuất hiện ung thư sau khi bị chiếu xạ nhưng loại nguyên nhân này chỉ chiếm 2 đến 3% trong số các trường hợp ung thư, chủ yếu là ung thư tuyến giáp, ung thư phổi và ung thư bạch cầu.
Từ thế kỷ 16, người ta thấy nhiều công nhân mỏ ở Joachimstal ( Tiệp Khắc) và ở Schneeberg (Đức) mắc một loại bệnh phổi và chết. Về sau cho thấy đó chính là ung thư phổi do chất phóng xạ trong quặng đen có chứa uranium. Điều này còn được ghi nhận qua tỷ lệ mắc ung thư phổi khá cao ở các công nhân khai mỏ uranium giữa thế kỷ 20.
Nhiều nhà X quang đầu tiên của thế giới đã không biết tác hại to lớn của tia X đối với cơ thể. Họ đã không biết tự bảo vệ và nhiều người trong số họ mắc ung thư da và bệnh bạch cầu cấp.
Ung thư bạch cầu cấp có tỷ lệ khá cao ở những người sống sót sau vụ thả bom nguyên tử của Mỹ ở 2 thành phố Nagasaki và Hiroshima năm 1945. Gần đây người ta đã ghi nhận khoảng 200 thiếu niên bị ung thư tuyến giáp và Leucemie sau vụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử ở Chernobyl. Tác động của tia phóng xạ gây ung thư ở người phụ thuộc 3 yếu tố quan trọng. Một là tuổi tiếp xúc càng nhỏ càng nguy hiểm (nhất là bào thai). Việc sử dụng siêu âm chẩn đoán các bệnh thai nhi thay cho X quang là tiến bộ rất lớn. Hai là mối liên hệ liều – đáp ứng. Ba là cơ quan bị chiếu xạ. Các cơ quan như tuyến giáp, tủy xương rất nhạy cảm với tia xạ.
Bức xạ cực tím
Tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời. Càng gần xích đạo tia cực tím càng mạnh. Tác nhân này chủ yếu gây ra ung thư ở da. Những người làm việc ngoài trời như nông dân và thợ xây dựng, làm đường sá có tỷ lệ ung thư tế bào đáy và tế bào vảy ở vùng da hở (đầu, cổ, gáy) cao hơn người làm việc trong nhà. Đối với những người da trắng sống ở vùng nhiệt đới, tỷ lệ ung thư hắc tố cao hơn hẳn người da màu. Cần phải lưu ý trào lưu tắm nắng thái quá ở người da trắng chịu ảnh hưởng nhiều cuả tia cực tím. Trẻ em cũng không nên tiếp xúc nhiều với tia cực tím.
Vi sinh vật gây bệnh
Virus: Một số loại virus dưới đây có thể là nguyên nhân gây ung thư:
Virus viêm gan B: Khi chúng xâm nhập vào cơ thể gây viêm gan cấp tính hoặc mạn tính. Sau một thời gian dài bị tổn thương, gan có thể bị xơ hóa toàn bộ, thậm chí là ung thư tế bào gan.
Virus Human Papilloma: Là loại virus gây u nhú lây truyền qua đường sinh dục phổ biến nhất, đồng thời là nguyên nhân gây ung thư ở phụ nữ (ung thư cổ tử cung).
Virus Epstein – Barr: Chúng có thể là tác nhân dẫn đến ung thư vòm mũi họng.
Vi khuẩn: Khi bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori, bạn có thể mắc bệnh ung thư dạ dày.
Ký sinh trùng: Phần lớn những người Ả Rập vùng Trung Đông bị ung thư bàng quang và ung thư niệu quản là do loài sán có tên Schistosoma.
Lối sống, thói quen sinh hoạt
Lối sống không lành mạnh có thể là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Dưới đây là một số thói quen sinh hoạt gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà bạn nên tránh:
Chế độ ăn uống không hợp lý
Chế độ ăn uống không cân đối, ăn quá nhiều thức ăn dầu mỡ, ít chất xơ có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư ở đường tiêu hóa như: ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày,… Đồng thời việc sử dụng hạt ngũ cốc bị nhiễm nấm mốc Aflatoxin, các loại thực phẩm chứa chất bảo quản, màu hóa học cũng có thể khiến bạn mắc bệnh ung thư. Như vậy, để ngăn ngừa mắc các bệnh ung thư bạn nên xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý. Rau củ quả tươi chứa nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây ung thư.
Ít vận động
Các chuyên gia cho rằng, việc ăn quá nhiều nhưng ít vận động có thể làm tăng khả năng mắc ung thư dạ dày. Bởi vì, lúc này số lượng các tế bào miễn dịch giảm xuống sẽ khiến cơ thể dễ mắc bệnh. Do đó, để tăng cường hệ miễn dịch bạn nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày, kết hợp với thư giãn nghỉ ngơi hợp lý.
Hút thuốc lá thường xuyên
Thói quen hút thuốc lá thường xuyên có thể khiến bạn mắc các bệnh về ung thư phổi, ung thư vòm họng,… Bởi vì trong thuốc lá có chứa Nicotin là chất độc hại gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hô hấp. Ngoài ra, khói thuốc cũng chứa hơn 40 loại hóa chất gây ung thư bao gồm: Benzopyrene, Nitrosamine, Toluidin,…
Do đó, người hít phải khói thuốc nhất là trẻ em và phụ nữ cũng có nguy cơ mắc các bệnh. Nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư và bảo vệ sức khỏe của mình, bạn nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
Các biện pháp phòng ngừa nguyên nhân gây ung thư
Để bảo vệ sức khỏe của mình trước những tác nhân gây ung thư, bạn có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa dưới đây:
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh ung thư vòm họng, ung thư phổi,…
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau củ quả tươi.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
- Khi làm việc trong môi trường độc hại hoặc dưới ánh nắng mặt trời, bạn nên mặc quần áo bảo hộ và đeo khẩu trang để bảo vệ mình.
- Kiểm tra sức khỏe và thực hiện tầm soát ung thư định kỳ, để có thể phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh ung thư, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.