Ngoài những dấu hiệu lão hóa da như nám, sạm, nếp nhăn, thiếu hụt collagen còn gây ra các vấn đề về nha chu, thị lực suy giảm và đau xương khớp.
Collagen là hợp chất chứa 1/3 lượng protein, được xem là hợp chất chứa nhiều protein nhất trong cơ thể. Collagen có chức năng xây dựng các khối cơ quan xương, da, gân cơ, dây chằng. Các bộ phận như mạch máu, giác mạc, răng cũng có collagen. Khi tuổi tác càng cao, lượng collagen sản xuất càng ít và chất lượng cũng giảm theo. Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy hàm lượng collagen trong cơ thể đã bị suy giảm đáng kể, cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt để bổ sung collagen.
1. Các dấu hiệu lão hóa trên da
Biểu hiện cảnh báo sự thiếu hụt collagen rõ ràng nhất trên da. Khi collagen suy giảm, da bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lão hóa như nám da, sạm da, nếp nhăn khóe mắt, khóe mũi, khóe miệng, da chảy xệ, da tay nhăn nheo… Từ sau tuổi 25, da bắt đầu bước vào tiến trình lão hóa, xuất hiện một vài dấu hiệu như nám, sạm, da khô ráp hơn. Từ sau tuổi 30, độ đàn hồi của da bắt đầu suy giảm và hình thành nếp nhăn.
2. Tóc xơ rối, móng dễ gãy
Thiếu hụt collagen khiến tóc không có đủ dinh dưỡng, trở nên xơ rối, cứng và chẻ ngọn. Móng cũng được nuôi dưỡng từ collagen nên thiếu collagen sẽ làm móng khô và dễ gãy hơn.
3. Các vấn đề nha chu
Collagen có nhiều trong lợi và là một trong những chất đề kháng cần thiết để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Thiếu collagen dẫn tới các vấn đề về nha chu như nhiễm khuẩn, chảy máu chân răng, sưng nướu, viêm lợi.
4. Suy giảm thị lực
Collagen có nhiều ở da và giác mạc mắt, giúp cải thiện tầm nhìn, tăng cường thị lực. Thiếu hụt collagen dẫn tới tình trạng mắt nhìn mờ, khô, suy giảm thị lực. Không bổ sung collagen kịp thời có thể dẫn tới những ảnh hưởng xấu về mắt.
5. Thoái hóa xương khớp
Collagen là thành phần kết dính cần thiết giúp các khớp hoạt động trơn tru và dễ dàng hơn. Thoái hóa xương khớp không chỉ do thiếu hụt canxi mà còn có thể bắt nguồn từ suy giảm collagen. Các triệu chứng như đau mỏi xương khớp, khớp cứng, khó vận động cũng là biểu hiện của thiếu hụt collagen trong cơ thể.
6. Vết thương lâu lành
Collagen tham gia vào quá trình tái tạo tế bào da mới, hỗ trợ trao đổi và lưu thông dưỡng chất, tăng độ đàn hồi cho da, giúp các tổn thương phục hồi tốt hơn. Thiếu hụt collagen làm các vết thương khó lành, ngay cả ở vết thương rất nhỏ như trầy xước. Da thiếu hụt collagen dễ hình thành sẹo, vết thâm sau mụn khó khắc phục.