Tại Việt Nam ung thư phổi đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nhưng nếu phát hiện sớm thì bạn có thể có phương pháp điều trị hiệu quả hơn rất nhiều.
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn, chiếm tỷ lệ khoảng 12% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới
Tổng quan về ung thư phổi
Ung thư phổi hay ung thư phế quản là tình trạng có khối u ác tính hình thành và phát triển trong phổi, theo thời gian khối u này sẽ gia tăng về kích thước và bắt đầu xâm lấn, gây bệnh ở những tổ chức lân cận và thậm chí là di căn xa khi sang đến giai đoạn nặng.
Có 2 loại ung thư phổi đó là:
Ung thư phổi tế bào nhỏ: chiếm tỷ lệ khoảng 15 – 20% các ca bệnh và xảy ra phổ biến ở những người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc nhiều với khói thuốc;
Ung thư phổi không tế bào nhỏ: chiếm 80 – 85% các trường hợp ung thư phổi, thường gặp hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ. Ung thư phổi không tế bào nhỏ bao gồm ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn.
Trên thế giới, hiện nay ung thư phổi đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong. Ở nước ta, ung thư phổi xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, với khoảng 23.600 người phát hiện mắc mới và 20.700 người tử vong mỗi năm.
Nguyên nhân gây nguy cơ ung thư phổi
Ung thư phổi chiếm ưu thế ở nam giới 50-75 tuổi. Tại các nước phương Tây, tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới của vài quốc gia những năm gần đây không gia tăng trong khi tỷ lệ ung thư phổi có chiều hướng gia tăng ở phụ nữ.
Tỷ lệ ung thư phổi thay đổi tùy theo vùng địa lý trên thế giới. Các nước châu Phi có tỷ lệ thấp hơn 5%. Tỷ lệ này khoảng 5-10% ở châu Á và Nam Mỹ. Châu Âu và Bắc Mỹ có tỷ lệ ung thư phổi cao nhất 10-15%.
Đa số ung thư phổi xuất hiện ở những người đã và đang hút thuốc lá (80%) cộng thêm 5% ước tính do hậu quả của sự tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Mức độ nặng nhẹ của sự tiếp xúc với khói thuốc tùy thuộc vào số năm mà người đó đã hút thuốc, số điếu thuốc hút trong ngày và phần nhựa có trong điếu thuốc. Có 10 đến 13% người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi với một thời kỳ tiềm ẩn từ 30 đến 40 năm tính từ lúc mới bắt đầu hút thuốc cho đến khi xuất hiện ung thư phổi.
Công nhân làm ở mỏ phóng xạ uranium, mỏ kền, mỏ cromate, công nhân làm việc trong một số ngành nghề có tiếp xúc amiant, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Ngoài ra, ung thư phổi xảy ra trên những sẹo xơ là vấn đề đã đề cập khá nhiều. Các sẹo xơ thường là do lao, nhồi máu phổi, viêm phổi hoặc bệnh bụi phổi. Cơ chế gây bệnh chưa rõ nhưng người ta cho rằng sự xơ hóa làm tắc nghẽn mạch bạch huyết gây tích tụ các chất sinh ung có thể dẫn đến ung thư.
Ô nhiễm không khí: do hơi đốt ở gia đình, xí nghiệp, hơi xả ra từ các động cơ.
Di truyền: chưa được chứng minh, nhưng có thể có yếu tố gia đình liên quan đến một số đột biến gene.
Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi sớm
Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua hoặc có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm phế quản phổi, lao phổi. Nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh ở giai đoạn muộn hoặc sau khi điều trị nhiều đợt không đỡ.
Các triệu chứng xuất hiện tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn đến các cơ quan lân cận cũng như di căn xa. Các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng, người bệnh cần lưu ý khi gặp các triệu chứng sau:
– Ho: là triệu chứng thường gặp. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu, và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì bạn nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.
– Khó thở: cũng là một triệu chứng hay gặp trong ung thư phổi. Cảm giác khó thở thường xuất hiện khi giai đoạn bệnh không còn sớm và hay gặp với khối u ở trung tâm gây hẹp lòng khí quản lớn hoặc do khối hạch trung thất chèn ép vào đường thở. Đôi khi, người bệnh còn có thể xuất hiện tiếng thở khò khè nặng nhọc.
– Đau ngực: hay gặp khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực. Điểm đau thường tương ứng với vị trí khối u, người bệnh có thể bị đau tức ở vùng ngực, lưng hoặc vai. Các cơn đau có tính chất dai dẳng, âm ỉ, tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu.
– Khàn tiếng: thường do khối u phổi trái hoặc hạch trung thất chèn ép vào dây thần kinh. Khi nội soi sẽ thấy tình trạng liệt dây thanh âm trái.
– Các triệu chứng: đau vùng vai, cánh tay, ngón tay kèm tê bì dị cảm xuất hiện khi khối u đỉnh phổi chèn ép đám rối thần kinh cánh tay. Các khối u vùng này còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như sụp mi măt, nóng bừng và đỏ nửa mặt cùng bên.
– Hạch cổ: khi người bệnh tự sờ thấy khối hạch vùng cổ, đặc biệt là các hạch rắn chắc, to nhanh không đi kèm với các dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, miệng thì nên đến viện để nhận được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư.
– Sụt cân: Trong các trường hợp sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến sự cắt giảm calo khẩu phần ăn, thì rất có thể do nguyên nhân bệnh ung thư gây ra.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ trên, đặc biệt trên những bệnh nhân hút thuốc lá lâu năm hoặc sống chung với người hút thuốc lá, bạn cần đến cơ sở y tế để được làm các xét nghiệm chẩn đoán và phân biệt với các bệnh lý khác. Chẩn đoán sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện, điều trị ung thư phổi kịp thời!