Theo thời gian, sự lão hóa mắt sẽ diễn ra cùng với sự lão hóa tự nhiên của cơ thể. Nó thể hiện rõ nhất ở việc thị lực suy giảm dần, khả năng nhìn bị hạn chế.
Mắt bắt đầu lão hóa rõ rệt nhất ở độ tuổi 45 trở đi. Mắt bắt đầu nhìn mờ hơn, không còn rõ như trước. Quá trình lão hóa mắt còn bị tác động bởi môi trường làm việc, môi trường ô nhiễm khói bụi và thiếu dinh dưỡng.
Lão hóa mắt có thể bắt đầu từ từ với những biểu hiện như mờ mắt, mỏi mắt, khô mắt… và lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng với nhiều nguy cơ mù lòa tiềm ẩn.
- 1. Những yếu tố làm tăng nguy cơ lão hóa mắt sớm
- 1.1. Không đeo kính khi đi ngoài trời
- 1.2. Dụi mắt thường xuyên
- 1.3. Hút thuốc lá
- 1.4. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
- 1.5. Ngủ không đủ giấc
- 1.6. Uống ít nước khiến mắt khô và nhanh mỏi
- 1.7. Sử dụng máy tính và điện thoại liên tục
- 1.8. Đeo kính áp tròng quá lâu
- 1.9. Đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, huyết áp hay histamin
- 2. Làm gì để phòng chống lão hóa mắt?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ lão hóa mắt sớm
Không đeo kính khi đi ngoài trời
Khi đi ngoài trời nắng mà không đeo kính, mắt sẽ tiếp xúc trực tiếp với tia UV hoặc các tia bức xạ có bước sóng ngắn có hại làm thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn.
Dụi mắt thường xuyên
Vùng da xung quanh mắt rất nhạy cảm. Thói quen dụi mắt thường xuyên có thể phá vỡ các mạch máu nhỏ dưới bề mặt da khiến mắt sưng húp, sụp mí, làm xuất hiện quầng thâm quanh mắt, đặc biệt là các vết chân chim hiện rõ phía đuôi mắt.
Hút thuốc lá
Khói thuốc lá có chứa vô vàn gốc tự do có thể gây hại đôi mắt. Dù hút chủ động hay thụ động thì việc hít phải khói thuốc lá đều có nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, khô mắt. Trên thực tế cho thấy, những người hút thuốc còn phải đối mặt với nguy cơ mù lòa cao gấp 4 lần so với những người không hút thuốc.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Chế độ ăn thiếu rau quả và trái cây, mắt sẽ không nhận được đủ vitamin, khoáng chất cùng với các axit béo cần thiết sẽ khiến cho mắt dễ bị nhức mỏi và nhanh lão hóa.
Ngủ không đủ giấc
Thiếu ngủ gây đỏ mắt, tạo quầng thâm dưới mắt, giật mí mắt, khô mắt và nhìn mờ.
Uống ít nước khiến mắt khô và nhanh mỏi
Không uống đủ khoảng 2 lít nước mỗi ngày, mắt sẽ khô, tấy đỏ và mí mắt thường sưng húp.
Sử dụng máy tính và điện thoại liên tục
Màn hình máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng là một trong những nguyên nhân gây hại cho mắt. Những thiết bị này sẽ có ánh sáng xanh, việc nhìn nhiều sẽ khiến mắt mệt mỏi và nhìn mờ. Tình trạng này khiến mắt bị khô và dễ bị kích ứng.
Đeo kính áp tròng quá lâu
Có thể gây vi sang chấn, tức là chấn thương nhỏ, nhìn bình thường không thể thấy được. Biểu hiện thường là khó chịu, cộm ở mắt. Ngoài ra, người đeo kính áp tròng còn có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, vi nấm, virut, ký sinh trùng từ dung dịch rửa kính.
Đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, huyết áp hay histamin
Những thành phần có trong các loại thuốc trên khiến mắt bị khô. Bạn sẽ cảm thấy như trong mắt của mình có sạn, mờ mắt, đỏ mắt hoặc nước mắt chảy nhiều.
Làm gì để phòng chống lão hóa mắt?
Tiến trình lão hóa nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự quan tâm chăm sóc mắt của mỗi người ngay từ khi còn trẻ. Bạn có thể hạn chế quá trình lão hóa mắt bằng một số cách sau:
Bảo vệ mắt tránh ánh sáng mặt trời
Bằng cách đeo kính râm có quét lớp chống tia cực tím, tránh đi ra ngoài đường vào thời điểm nắng nhất trong ngày: từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
Chăm sóc mắt đúng cách
Không đọc sách quá gần (ở người lớn khoảng cách từ 30-35cm, trẻ em từ 25-30cm), không đọc sách khi ngồi trên các phương tiện giao thông đang chuyển động. Làm việc trước màn hình vi tính hay chơi game, cứ mỗi 50 phút phải nghỉ 5-10 phút.
Không hút thuốc lá
Vì hút thuốc lá làm suy yếu hệ tuần hoàn của cơ thể, làm giảm lượng máu đến mắt.
Duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối
Đặc biệt cần cung cấp cho mắt các dưỡng chất cần thiết như kẽm, vitamin B2, lutein, zeaxanthin để giúp nuôi dưỡng tế bào mắt khỏe mạnh, phòng ngừa lão hóa. Kẽm và vitamin B2 (riboflavin) đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể, tham gia vào sự trao đổi sắc tố ở võng mạc mắt, giúp mắt thích nghi với ánh sáng. Thiếu vitamin B2 và kẽm có thể gây tình trạng đỏ mắt, mẫn cảm, mỏi mắt và mờ mắt.
Lưu ý: Nên đi khám mắt thường xuyên 2 lần/năm để sớm phát hiện các bệnh về mắt và có hướng xử trí kịp thời. Khi thấy mắt có các dấu hiệu không bình thường thì cần đi khám ngay, không tự ý nhỏ thuốc mắt khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.