Bệnh ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở cả hai giới. Đây là tình trạng các tế bào dạ dày tăng sinh mất kiểm soát và có nguy cơ lan rộng đến những mô lân cận và các cơ quan khác. Bệnh có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí có nguy cơ tử vong cao nếu phát hiện quá muộn. Vậy cách phòng tránh ung thư dạ dày như thế nào?
Những ai có nguy cơ bị bệnh ung thư dạ dày?
Bệnh ung thư dạ dày vẫn chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng và bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, những trường hợp dưới đây có nguy cơ bị bệnh cao hơn những người khác:
– Nam giới có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn nữ giới.
– Bệnh ung thư dạ dày thường xảy ra ở nhóm tuổi 50 đến 60. Tuy nhiên, ngày nay căn bệnh này cũng đang có xu hướng trẻ hóa.
– Nếu có người thân trong gia đình như bố mẹ hay anh chị em ruột mắc bệnh thì nguy cơ bị ung thư dạ dày của bạn cũng sẽ cao hơn những đối tượng khác.
– Những người đã từng có tiền sử mắc bệnh dạ dày thì nguy cơ bị bệnh ung thư dạ dày cũng sẽ cao hơn những người không mắc bệnh về dạ dày. Chẳng hạn như người bị viêm loét dạ dày, đã từng phẫu thuật dạ dày, các trường hợp có polyp dạ dày,…
– Người nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori gây viêm loét dạ dày cũng có nguy cơ bị ung thư cao hơn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng vì không phải ai nhiễm khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày.
– Những người thừa cân béo phì có nguy cơ phải đối mặt với nhiều loại bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư dạ dày.
– Chế độ ăn: Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe dạ dày. Nếu bạn có chế độ ăn uống không khoa học thì nguy cơ mắc bệnh dạ dày là rất cao. Nhất là những đối tượng ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm hun khói, đồ muối, ăn quá nhiều các loại thịt đỏ, đồ nướng có thói quen uống nhiều bia rượu và hút thuốc lá,…
– Ngoài ra tình trạng căng thẳng cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh dạ dày. Khi bạn căng thẳng, gặp quá nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống thì cơ thể sẽ có thể tiết ra nhiều axit gây tổn hại đến niêm mạc dạ dày và làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày. Tình trạng này kéo dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Với những bệnh nhân đang bị bệnh dạ dày, tâm lý căng thẳng sẽ khiến cho bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Cách phòng tránh ung thư dạ dày
Để phòng tránh bệnh dạ dày, bạn cần lưu ý những điều sau:
Điều trị dứt điểm nếu bạn mắc phải các bệnh lý liên quan tới dạ dày
Nếu đang mắc phải một số bệnh dạ dày, bạn không nên chủ quan mà hãy điều trị để khỏi dứt điểm những căn bệnh này. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dừng thuốc, lạm dụng thuốc khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn.
Duy trì chế độ ăn lành mạnh
Như đã nói ở phía trên, chế độ ăn có tác động trực tiếp đến sức khỏe của bạn, đặc biệt là sức khỏe dạ dày. Nếu chế độ ăn không hợp lý, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hoặc khiến cho tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn. Nhưng ngược lại, nếu bạn duy trì một chế độ ăn lành mạnh thì cơ thể của bạn cũng sẽ khỏe mạnh hơn và đây cũng chính là cách phòng tránh ung thư dạ dày rất hiệu quả.
+ Trước hết, bạn nên loại bỏ những thực phẩm có hại cho sức khỏe dạ dày bao gồm: Các loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn quá mặn, có chứa quá nhiều dầu mỡ, nên tránh xa những thực phẩm lên men như dưa muối hay cà muối, không nên ăn những thực phẩm cay nóng, không uống rượu bia và không hút thuốc lá.
+ Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe dạ dày, đặc biệt là các loại rau xanh, trái cây có chứa nhiều chất xơ và vitamin, chẳng hạn như súp lơ, rau cải mầm,…
+ Bạn cũng nên duy trì thói quen ăn chậm, nhai kỹ, ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa. Đây chính là những bí kíp giúp giảm áp lực cho dạ dày của bạn và giúp bạn có một sức khỏe tốt, phòng tránh nguy cơ ung thư dạ dày.
Thường xuyên vận động, tập luyện
Ngoài chế độ ăn thì chế độ vận động cũng rất quan trọng. Hãy thường xuyên tập luyện để tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng và để kiểm soát cân nặng, duy trì một vóc dáng cân đối. Tập thể dục thường xuyên chính là một thói quen tốt để phòng ngừa nhiều loại bệnh tật và bao gồm cả bệnh ung thư dạ dày.
Giữ tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ
Căng thẳng chính là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày. Do đó, bạn nên giữ tinh thần tích cực, vui vẻ. Có thể áp dụng một số biện pháp giúp giảm căng thẳng như tập yoga, thiền, đi bộ, nghe nhạc, nấu ăn,… hay làm những việc bạn yêu thích.
Tránh tiếp xúc với môi trường có chứa hóa chất độc hại
Hạn chế tiếp xúc với môi trường có chứa hóa chất độc hại. Trong trường hợp do tính chất công việc, bạn bắt buộc phải tiếp xúc, làm việc trong môi trường này, thì cần mặc đồ bảo hộ lao động.
Trên đây là một số cách phòng tránh ung thư dạ dày đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên, với những trường hợp tuổi cao, có nguy cơ cao bị bệnh thì vẫn gặp phải nguy cơ rủi ro nhất định. Do đó, cách tốt nhất chính là tầm soát ung thư dạ dày định kỳ để phát hiện sớm những thay đổi bất thường trong cơ thể và có biện pháp xử trí hiệu quả.