Theo thống kê của WHO (2018), ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 4 trong các loại ung thư phổ biến với số lượng gần 1,3 triệu ca mắc mới. Bên cạnh đó, bệnh còn đứng thứ 8 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư. Tại Việt Nam, cũng theo thống kê trên, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 11 với gần 4 nghìn ca mắc mới và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13. Bệnh thường tiến triển chậm nên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, kết quả cuối cùng sẽ rất khả quan.
Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Ung thư tuyến tiền liệt (tên tiếng Anh: Prostate Cancer) hay ung thư tiền liệt tuyến là một bệnh nam giới thường gặp, đặc biệt là ở độ tuổi trên 50.
Tuyến tiền liệt là cơ quan sinh dục chỉ có ở đàn ông, nặng khoảng 20 – 25 grams. Kích thước của cơ quan này thay đổi theo độ tuổi, phát triển từ khi dậy thì và ổn định ở tuổi 30, sau đó tiếp tục lớn hơn khi nam giới về già. Tuyến tiền liệt nằm phía dưới bàng quang và phía trên trực tràng, cạnh túi tinh (seminal vesicles). Đường dẫn nước tiểu (Uretha) đi xuyên qua trung tâm của tuyến tiền liệt, ra ngoài dương vật).
Tuyến tiền liệt có nhiệm vụ tạo ra tinh dịch. Sự phát triển bất thường, mất kiểm soát của các tế bào tuyến tiền liệt sẽ hình thành khối u ác tính tại đây, dẫn đến ung thư tiền liệt tuyến. Bệnh thường phát triển rất chậm và không có biểu hiện về bệnh lý ở giai đoạn đầu.
Tại Việt Nam, số người đến khám Nam khoa vì bệnh lý tuyến tiền liệt đã tăng lên nhưng đối với ung thư tuyến tiền liệt lại chưa được quan tâm thoả đáng. Cộng với điều kiện để chẩn đoán và phát hiện bệnh của các cơ sở y tế cũng chưa được trang bị đầy đủ, đây chính là lý do bệnh nhân thường chỉ tới bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Điều này khiến việc điều trị rất khó khăn và có khả năng cao gây tử vong.
Các loại ung thư tiền liệt tuyến
Loại ung thư thường gặp nhất là ung thư biểu mô tuyến. Ngoài ra, đôi khi bệnh cũng có thể xảy ra dưới dạng:
- Ung thư tuyến tiền liệt không biệt hoá
- Ung thư biểu mô tế bào vảy
- Ung thư biểu mô ống tuyến chuyển tiếp
- Sarcoma tuyến tiền liệt (rất hiếm gặp, chủ yếu ở trẻ nhỏ)
Các giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tiền liệt tuyến được chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn I: Tế bào ung thư khu trú tại tuyến tiền liệt. Giai đoạn này kích thước tiền liệt tuyến không to hơn so với kích thước bình thường, thăm khám trực tràng không phát hiện được. Ung thư gần như chỉ được phát hiện khi thấy PSA tăng và làm sinh thiết tuyến tiền liệt.
Giai đoạn II: Tế bào ung thư bắt đầu phát triển nhưng chưa phá vỡ vỏ bọc của tuyến. Kích thước tuyến tiền liệt phình lớn. Giai đoạn này có thể phát hiện bằng phương pháp thăm khám trực tràng và thực hiện các xét nghiệm PSA.
Giai đoạn III: Tế bào ung thư đã phá vỡ vỏ bọc của tuyến tiền liệt, di căn sang các cơ quan bên cạnh như trực tràng, bàng quang, túi tinh, cơ thắt niệu đạo…
Giai đoạn IV: Tế bào ung thư di căn sang hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa khác như xương, gan, phổi…
Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh không lây, phát triển chậm với những triệu chứng ở giai đoạn ban đầu khá mơ hồ, có thể khu trú tại vùng thấp đường tiết niệu do xâm lấn hoặc chèn ép của khối u như:
- Tiểu khó, tiểu rắt, bí tiểu
- Trong nước tiểu có máu
- Tiểu đêm
Hoặc những triệu chứng khác như:
- Cân nặng giảm
- Đau lưng, hông, đau vùng khung chậu
- Khó khăn trong việc duy trì cương cứng
- Táo bón mãn tính hoặc các vấn đề khác về đường ruột
Ở giai đoạn muộn và có di căn bệnh nhân sẽ có các triệu chứng tại các cơ quan khác của cơ thể như:
- Đau xương, gãy xương bệnh lý… trong di căn xương
- Yếu liệt chi dưới, liệt nửa người… do u di căn đốt sống làm chèn ép tủy sống gây nên các hội chứng thần kinh
- Những di căn ở não, phổi, dạ dày, gan, tuyến thượng thận hay xuất huyết tiêu hóa thường gặp trong giai đoạn muộn hơn
- Ngoài ra, hội chứng cận ung thư, hội chứng thiếu máu, đông vón nội mạc rải rác cũng cần lưu ý trong giai đoạn muộn của bệnh.
Nguyên nhân gây ung thư
Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư tiền liệt tuyến vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, bệnh đã được chứng minh là có mối quan hệ mật thiết với một số yếu tố như sau, bao gồm:
Tuổi tác
Càng lớn tuổi, đàn ông càng dễ bị ung thư tuyến tiền liệt. Dưới 54 tuổi chỉ có 10% trường hợp phát hiện bệnh nhưng con số đã tăng đến 65% ở độ tuổi từ 55-74.
Chủng tộc
Nguy cơ người da màu bị ung thư tuyến tiền liệt cao hơn nhóm da trắng ở cùng độ tuổi. Người châu Á, tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn người da đen và da trắng.
Tiền sử bệnh trong gia đình
Các trường hợp có bố hoặc anh em trai có tiền sử mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh lên đến 2 – 3 lần.
Tân sản trong lớp biểu mô tuyến tiền liệt (PIN)
PIN liên quan đến nguy cơ mắc ung thư, 25,8% ÷ 51% PIN biệt hoá cao phát triển thành ung thư tuyến tiền liệt.
Một số yếu tố khác
Hiện nay, các nghiên cứu đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về sinh bệnh học. Trong đó có nguyên nhân liên quan đến một số gene trong quá trình phát sinh và phát triển của tế bào ung thư và các yếu tố nguy cơ như môi trường, tiếp xúc với hóa chất, chế độ dinh dưỡng (ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít rau), bèo phì, hút thuốc, mắc bệnh lây qua đường tình dục, viêm tuyến tiền liệt, thắt ống dẫn tinh…
Phòng ngừa bệnh Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt có thể phòng ngừa dựa vào một số biện pháp sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh ít thịt đỏ và bổ sung nhiều chất xơ
- Kiểm tra sức khỏe định kì để tầm soát nguy cơ ung thư, đặc biệt thông qua xét nghiệm PSA để phát hiện sớm bệnh ở giai đoạn đầu khi hầu như triệu chứng là chưa có
- Vận động, thể dục thể thao hợp lý
- Có một chế độ sinh hoạt khoa học và đều đặn
Ung thư tuyến tiền liệt có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu bệnh được phát hiện sớm. Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần tại những đơn vị y tế hoặc bệnh viện có máy móc, trang thiết bị hiện đại sẽ giúp việc chẩn đoán bệnh được chính xác hơn.