UNG THƯ DA

UNG THƯ DA

Môi trường sống ngày càng thay đổi theo chiều hướng xấu đi, khiến con người phải tiếp xúc với nhiều chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là làn da. Nhiều trường hợp trở thành bệnh ung thư da. Vậy nguyên nhân ung thư da là vì đâu? Dấu hiệu giúp nhận biết ung thư da là gì?

Ung thư da là gì?

Ung thư da là một trong các ung thư thường gặp và khá dễ chẩn đoán. Ung thư da (không kể ung thư hắc tố) là các ung thư xuất phát từ biểu mô da che phủ mặt ngoài cơ thể, gồm nhiều lớp tế bào. Lớp tế bào đáy sinh ra ung thư tế bào đáy, lớp tế bào vảy sinh ra ung thư biểu mô vảy. Các tuyến phụ thuộc của da như tuyến mồ hôi, tuyến bã sinh ra ung thư tuyến mồ hôi, tuyến bã…

Ung thư da có 2 dạng là:

Ung thư da hắc tố (Melanoma): đây là dạng ung thư da có mức độ nguy hiểm nhất nhưng ít trường hợp bệnh nhân gặp phải dạng này.

Ung thư da không kể hắc tố (không Melanoma): bao gồm Ung thư biểu mô tế bào vảy và Ung thư biểu mô tế bào đáy, đây là 2 dạng ung thư da thường mắc phải.

Ung thư da hay gặp ở người da trắng, chủ yếu ở người già, nam nhiều hơn nữ. Bệnh thường xuất hiện ở vùng da hở với tỷ lệ 90% ở vùng đầu mặt cổ. Tỉ lệ mắc ung thư da ở Việt Nam vào khoảng 2,9-4,5/100.000 dân.

Ung thư da dễ dàng phát hiện vì khi mắc bệnh sẽ có biểu hiệu rõ ràng trên bề mặt da, điều này giúp người bệnh nhanh chóng khám và chữa trị kịp thời. Tuy nhiên nhiều trường hợp chủ quan, tự chăm sóc ở nhà nhưng không đúng cách, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cũng như thẩm mỹ ngoại hình.

Nguyên nhân gây ra ung thư da

Da tiếp xúc với các tia phóng xạ:

Bức xạ cực tím: Tia bức xạ cực tím do các tia nắng mặt trời và các đèn phát tia tử ngoại như đèn hồ quang các- bon, thủy ngân, thạch anh lạnh…Đây là yếu tố nguy cơ chủ yếu của ung thư da. Vùng da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng ở cường độ mạnh và trong một thời gian dài là yếu tố bệnh sinh quan trọng nhất gây ung thư da. Bệnh thường xảy ở những người làm việc ngoài trời ngư dân, nông dân, công nhân cầu đường…

Bức xạ ion hóa: ung thư da thường phát triển sau 14-15 năm kể từ khi tiếp xúc bức xạ ion hóa.

Các hội chứng gia đình

Một số hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ mắc ung thư da bao gồm:

Bệnh xơ da nhiễm sắc: có đột biến lặn các nhiễm sắc thể đặc trưng bởi sự tăng cảm với tia cực tím. Bệnh có biểu hiện tổn thương da toàn thân với da dầy, xơ, nhiều vảy bong. Bệnh nhân thường mắc ung thư da trước 20 tuổi. Phòng bệnh bằng cách tránh các bức xạ mặt trời.

Hội chứng tế bào đáy dạng nơ-vi (Nevoid basal cell syndrome): đặc trưng bởi đột biến trội nhiễm sắc thể kết hợp với các nang xương hàm hoặc các hốc lõm ở lòng bàn tay, bàn chân. Ung thư da tế bào đáy nhiều ổ phối hợp với xơ da, bất thường ở xương sườn và cột sống.

Hội chứng Gardner: hội chứng di truyền trội với các tổn thương u nang bì và nang dưới da.

Hội chứng Torres: Di truyền các ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tuyến bã không di căn ở những bệnh nhân có xơ khô da nhiều ổ. Bệnh thường kèm theo ung thư đại tràng và ung thư bóng Vater.

Các bệnh lý da tồn tại từ trước

Bệnh dày sừng quang hóa: 1-20% chuyển thành ung thư da. Tổn thương là những mảng ban đỏ sần sùi, có vảy ở vùng da hở như vùng đầu cổ, có thể tự thoái triển nếu bệnh nhân thay đổi nghề nghiệp, giảm tiếp xúc với bức xạ cực tím.

Bệnh Bowen: 3-5% chuyển thành ung thư da. Bệnh biểu hiện bằng các vết ban đỏ có vảy, bờ rõ bệnh, thường gặp ở người già.

Tàn nhang: Người nhiều vết nám, tàn nhang có nguy cơ ung thư da cao hơn.

Nhiễm trùng: Nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV: Human papilloma virus) có liên quan trực tiếp đến ung thư da tế bào vảy. HPV được tìm thấy trong đa số các trường hợp quá sản biểu mô dạng hạt cơm- một loại tổn thương tiền ung thư.

Viêm da mạn tính hoặc chấn thương da: Ung thư có thể phát triển trên vùng da có tổn thương từ trước như da bỏng cũ, lỗ dẫn lưu, lỗ dò loét do nằm lâu, vết xăm da. Các ung thư này có xu hướng lan rộng và di căn hạch vùng.

Miễn dịch: Nguy cơ ung thư da ở người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải hoặc sau ghép cơ quan tăng gấp 16 lần. Trường hợp này u phát triển mạnh và tổn thương lan tỏa hơn.

Tiếp xúc với hóa chất gây ung thư

Một số hóa chất gây ung thư da trong trường hợp da tiếp xúc lâu với nhựa đường, nhựa than đá, dầu nhờn, thuốc trừ sâu diệt cỏ… Trong đó Arsen là loại hay gặp nhất vì được sử dụng nhiều trong công nghiệp, y tế và có nồng độ cao trong nước uống ở một số nước.

Dấu hiệu nhận biết ung thư da

Vì da là lớp bảo vệ bên ngoài nên có rất nhiều biểu hiện người bệnh có thể nhìn nhận trực tiếp về ung thư da, có thể chú ý đến những dấu hiệu sau:

Da sần sùi từng mảng, đóng vảy, thô cứng: các mảng da bị ung thư sẽ dần chuyển đổi màu sắc từ nâu đến hồng đậm, xuất hiện ở mặt – đầu – hai cánh tay. Bệnh này được gọi là dày sừng quang hóa, biểu hiện của giai đoạn tiền ung thư da. Thông thường trường hợp này hay có ở người có làn da trắng, bị tổn thương da do ánh nắng mặt trời.

Da xuất hiện nốt u hình tròn, hơi mờ, mềm, giống mụn nhưng không có nhân: đây có thể là biểu hiện của bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy. Ngoài dấu hiệu trên, bạn sẽ bắt gặp hiện tượng da xuất hiện các tia máu và dễ chảy máu do các mạch máu bị giãn.

Da xuất hiện vùng tổn thương có màu đỏ, xỉn màu, cứng, lõm ở giữa, thường xuyên bị loét và mãi không lành: có thể hình thành các nốt mủ giống như mụn hoặc nhọt nhưng mãi không lặn, thường có ở các vị trí như mặt – tay – tai. Có trường hợp da sẫm màu, các nốt trên sẽ xuất hiện ở các vùng da ít tiếp xúc với ánh nắng.

Nốt ruồi trở nên bất thường: sẽ có các trường hợp nốt ruồi bất thường như nốt ruồi trở nên thẫm màu hơn, nốt ruồi thay đổi kích thước nhanh chóng (kích thước trên 6mm), chảy máu ở nốt ruồi. Hiện tượng này nguy hiểm hơn vì có thể là biểu hiện của ung thư hắc tố – dạng ung thư nguy hiểm nhất, có nguy cơ tử vong.

Mụn cứng có màu vàng xuất hiện ở mí mắt, đầu, cổ, thân hoặc khu vực bộ phận sinh dục: có khả năng đây là biểu hiện của loại ung thư biểu mô tuyến bã nhờn. Tuy loại này không gây nguy hiểm nghiêm trọng nhưng cần điều trị vì sẽ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như khó chịu cho người bệnh.

Trong trường hợp bạn không thể tránh được các nguyên nhân ung thư da và rơi vào một trong những dấu hiệu của ung thư da như trên, hãy theo dõi và kiểm tra tình trạng sức khỏe da liễu trong thời gian sớm nhất.

Phòng ngừa ung thư da

Bởi vì nhiều bệnh ung thư da dường như liên quan đến tiếp xúc với tia tử ngoại (UV), có một số biện pháp được khuyến cáo để hạn chế phơi nhiễm.

Tránh nắng: Tìm bóng râm, giảm thiểu các hoạt động ngoài trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều (khi tia nắng mặt trời mạnh nhất), tránh tắm nắng và sử dụng giường tắm nắng.

Sử dụng quần áo bảo hộ: Áo sơ mi dài tay, quần dài và mũ rộng

Sử dụng kem chống nắng: Ít nhất yếu tố bảo vệ nắng (SPF) là 30 với bảo vệ UVA/UVB phổ rộng, được sử dụng theo chỉ dẫn (tức là dùng lại sau 2 giờ và sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi); không nên được sử dụng để kéo dài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Bằng chứng hiện tại không đủ để xác định liệu những biện pháp này có làm giảm tỷ lệ tử vong của ung thứ sắc tố; trong ung thư da không sắc tố (ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vẩy), chống nắng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư mới.

 

 

Ung Thưカテゴリの最新記事