NGUYÊN NHÂN VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT CỦA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

NGUYÊN NHÂN VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT CỦA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Là một trong 3 bệnh lý ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới, ung thư cổ tử cung (UTCTC) thường không rõ triệu chứng, tiến triển chậm khiến người bệnh chủ quan, không điều trị từ sớm. Tuy nhiên, nếu chủ động phòng ngừa, tầm soát và phát hiện sớm, bệnh khối u cổ tử cung có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung (tiếng Anh là Cervical Cancer) là bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô lát (tế bào biểu mô vảy) hoặc tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung phát triển bất thường dẫn đến hình thành các khối u trong cổ tử cung. Các khối u này nhân lên một cách mất kiểm soát, xâm lấn và tác động đến các cơ quan xung quanh, thường gặp nhất là di căn đến phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Bệnh ung thư cổ tử cung bắt đầu với những thay đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, thường phát triển âm ỉ trong thời gian dài (mất vài năm), thường do nhiễm virus HPV. Ung thư sinh ra do đột biến DNA (khiếm khuyết gen) làm xuất hiện các gen sinh ung thư hoặc làm vô hiệu hóa gen ức chế khối u (gen kiểm soát sự phát triển tế bào, làm cho tế bào chết đúng lúc).

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung đều do nhiễm các chủng khác nhau của virus gây u nhú ở người – Human Papillomavirus (HPV). HPV có nhiều chủng nguy cơ cao gây các loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, ung thư dương vật, mụn cóc sinh dục, amidan HPV có 2 loại protein là E6 và E7 có tác dụng tắt một số gen ức chế khối u, từ đó cho phép các tế bào lót ở cổ tử cung phát triển quá mức, phát triển các thay đổi trong gen, dẫn đến tình trạng ung thư.

Phụ nữ từ 35 đến 44 tuổi dễ mắc ung thư cổ tử cung. Hơn 15% trường hợp mắc mới được ghi nhận là ở phụ nữ trên 65 tuổi, đặc biệt là ở những trường hợp không được khám sàng lọc ung thư thường xuyên.

Phân loại ung thư cổ tử cung

Tùy theo loại ung thư cổ tử cung mà người bệnh được chỉ định phương pháp điều trị khác nhau:

Ung thư biểu mô tế bào gai (Squamous cell carcinoma): Là dạng ung thư bắt đầu từ các tế bào mỏng, phẳng lót phần ngoài của cổ tử cung. Theo thống kê, đây là dạng ung thư cổ tử cung phổ biến nhất, khoảng 80 – 85% tổng số các trường hợp, xuất hiện do nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV).

Ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma): Là dạng ung thư xảy ra ở các tế bào tuyến dòng phần trên cổ tử cung, chiếm khoảng 10 – 20% tổng số các trường hợp mắc bệnh.

Các dạng ung thư cổ tử cung khác như ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư mô liên kết – tuyến, ung thư biểu mô tuyến – tế bào gai, ung thư lympho, ung thư hắc tố… thường không có sự liên quan đến virus gây u nhú HPV, xác suất ít gặp hơn nhưng lại không thể phòng ngừa được như ung thư biểu mô tế bào gai.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung

Các triệu chứng ban đầu của khối u ác tính vùng cổ tử cung không rõ ràng, tiến triển thầm lặng, người bệnh khó nhận biết. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn đồng nghĩa với việc tế bào ung thư đã di căn lan rộng. Các can thiệp điều trị lúc này vẫn có thể phát huy được hiệu quả, nhưng khá phức tạp và tốn nhiều chi phí. Trong trường hợp xấu nhất, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng, các hạch bạch huyết lân cận, ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ.

Một số dấu hiệu ung thư cổ tử cung:

  • Đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục
  • Chảy máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa
  • Dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi
  • Khó chịu khi đi tiểu, tiểu nhiều lần
  • Đi tiểu, đi ngoài ra máu (dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung xâm lấn bàng quang, trực tràng)
  • Kinh nguyệt thất thường, kéo dài
  • Sút cân, mệt mỏi không rõ nguyên nhân

Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung

Thông thường, bệnh lý phát triển qua các giai đoạn:

Giai đoạn 0: Giai đoạn này chưa có tế bào ung thư ở cổ tử cung, bắt đầu xuất hiện các tế bào bất thường và có thể phát triển thành tế bào ung thư trong tương lai. Do đó, giai đoạn này được gọi là tiền ung thư hoặc ung thư biểu mô tại chỗ.

Giai đoạn I: Ung thư chỉ mới xảy ra ở bên trong cổ tử cung.

Giai đoạn II: Ung thư đã bắt đầu lan ra bên ngoài cổ tử cung, xâm lấn vào các mô xung quanh nhưng chưa đến các mô lót trong khung chậu hoặc phần dưới của âm đạo.

Giai đoạn III: Các tế bào ung thư đã xâm lấn vào phần dưới của âm đạo và các mô lót trong khung chậu.

Giai đoạn IV: Ung thư di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, như: ruột, bàng quang, phổi…

Tiên lượng của ung thư cổ tử cung xâm lấn dựa vào các giai đoạn này

  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn I từ 80% đến 90%
  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn II từ 50% đến 65%
  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn III từ 25% đến 35%
  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn IV là dưới 15%

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Hai yếu tố quan trọng nhất theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) là chủng ngừa HPV và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm những thay đổi của tế bào cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung thường bắt đầu với những thay đổi tiền ung thư. Do đó, có thể ngăn chặn ung thư bằng cách phát hiện và điều trị tiền ung thư hoặc thực hiện các biện pháp ngăn chặn tiền ung thư.

Vắc xin

Hiện nay, vắc xin Gardasil giúp ngăn ngừa nhiễm các chủng virus HPV thường liên quan đến ung thư cũng như gây ra mụn cóc ở hậu môn và đường sinh dục. FDA đã phê duyệt Gardasil cho nam và nữ tuổi từ 9 đến 26. Các loại vắc xin này chỉ có tác dụng ngăn ngừa nhiễm virus HPV, không có tác dụng điều trị nhiễm trùng. Do đó, để có hiệu quả phòng ngừa tốt nhất, cần tiêm vắc xin HPV trước khi có sự tiếp xúc với virus HPV (như qua quan hệ tình dục). Những vắc xin này có tác dụng ngăn ngừa tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Tác dụng phụ thường nhẹ với các triệu chứng tại chỗ tiêm như đỏ, đau, sưng tấy trong thời gian ngắn.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ACS khuyến nghị: Tiêm vắc xin HPV cho trẻ em trong độ tuổi từ 9 đến 12 Trẻ em và thanh thiếu niên từ 13 đến 26 tuổi chưa được chủng ngừa hoặc tiêm chưa đủ liều, cần chủng ngừa sớm. Tuy nhiên không có sự bảo vệ hoàn toàn chống lại các chủng virus HPV gây ung thư, do đó vẫn nên thường xuyên tầm soát ung thư cổ tử cung.

Vắc xin Gardasil có hiệu quả trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, mụn cóc sinh dục, các bệnh lý gây ra do 4 tuýp virus HPV gồm 6, 11, 16, 18. Trong khi đó vắc xin thế hệ mới Gardasil 9 là vắc xin phòng HPV đầu tiên dành cho Nam và Nữ có hiệu quả phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh như: ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, mụn cóc sinh dục, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản gây ra do 9 tuýp HPV tuýp 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58.

Dinh dưỡng

Không hút thuốc là cách phòng ngừa rất quan trọng để giảm nguy cơ tiền ung thư cổ tử cung và ung thư cổ tử cung.

Vận động

Một lối sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa khả năng bị ung thư cổ tử cung. Nên có chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý. Không quan hệ tình dục quá sớm, không lạm dụng thuốc tránh thai. Vệ sinh âm đạo sạch sẽ ngăn ngừa virus HPV.

Tầm soát tiền ung thư cổ tử cung

Xét nghiệm Pap và xét nghiệm tìm virus gây u nhú ở người (HPV) được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung xâm lấn đều được phát hiện ở những phụ nữ không làm xét nghiệm Pap thường xuyên. Nếu kết quả xét nghiệm HPV dương tính, cần phải tái khám thêm, làm các xét nghiệm khác để tìm tiền ung thư hay ung thư. Nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần từ tuổi 21. Nếu từ 30 đến 65 tuổi, nên thực hiện xét nghiệm Pap và xét nghiệm virus HPV 5 năm một lần.

Hạn chế tiếp xúc với HPV

HPV truyền từ người này sang người khác khi da tiếp xúc với vùng da bị nhiễm HPV. Điều này có nghĩa là virus HPV có thể lây lan mà không cần quan hệ tình dục. Thậm chí bộ phận sinh dục có thể bị lây nhiễm HPV khi tiếp xúc với bàn tay. HPV cũng có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể. Nghĩa là virus HPV có thể bắt đầu ở cổ tử cung và sau đó lan đến âm đạo, âm hộ. Hạn chế số lượng bạn tình và tránh quan hệ tình dục với những người đã có nhiều bạn tình khác và sử dụng bao cao su có thể làm giảm nguy cơ phơi nhiễm với HPV. Mặc dù vậy, HPV rất phổ biến, quan hệ tình dục chỉ với một người cũng vẫn có thể bị lây nhiễm HPV.

Nếu bạn đang hoạt động tình dục và có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nên đi xét nghiệm tìm chlamydia, lậu và giang mai mỗi năm. Nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần hoặc thường xuyên nếu bạn có nguy cơ cao.

Ung thư cổ tử cung có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Phụ nữ hãy chủ động tầm soát và tiêm vắc xin phòng virus HPV để bảo vệ chính mình!

Ung Thưカテゴリの最新記事