Kem chống nắng không chỉ giúp phòng chống cháy nắng, ung thư da mà còn ngăn ngừa tình trạng lão hóa da sớm và nhiều nguy cơ khác, khi tiếp xúc với bức xạ tử ngoại (UV) trong ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên không phải ai cũng hiều biết về các tác dụng cũng như cách sử dụng kem chống nắng.
Kem chống nắng là gì?
Kem chống nắng là một sản phẩm được bào chế dạng xịt, gel, bôi… có chứa các thành phần vật lý hoặc hoá học có khả năng ngăn chặn, hấp thu hoặc phát tán một số bức xạ UV trên vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhằm hạn chế tình trạng cháy nắng, lão hóa da hay ung thư da.
Bức xạ UV được tạo thành từ 3 loại tia – tia cực tím A (UVA), tia cực tím B (UVB) và tia cực tím C (UVC). Trong đó UVC là loại nguy hiểm nhất, nhưng nó không thể xuyên qua tầng ozone của bầu khí quyển, nên không gây hại cho trái đất. Còn lại là 95% là tia UVA và 5% là tia UVB.
UVB ảnh hưởng đến lớp ngoài của da, gây tổn thương da, gây cháy da và có thể dẫn đến một số loại ung thư da như ung thư tế bào hắc tố, ung thư biểu mô tế bào đáy và vảy.
Tia UVA có khả năng tiếp cận vào các lớp sâu hơn của da và gây tổn thương nhiều hơn so với tia UVB. Tia UVA xuyên qua được các vật liệu mỏng như cửa kính, quần áo, mây… nên dù trời râm mát, hay mặc kín áo chống nắng thì da vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. UVA không gây đen da ngay như UVB, nhưng gây lão hoá da và suy giảm miễn dịch. Ngoài ra nó còn tác động tới lớp tế bào chân đáy của thượng bì, nơi phát sinh phần lớn các ung thư da.
Chính vì thế, sản phẩm kem chống nắng ra đời nhằm mục đích phòng chống ung thư bằng cách bảo vệ da mình khỏi các tia cực tím nguy hiểm. Ngoài ra, kem chống nắng còn giúp chống lão hoá, chống nám, tàn nhang…
Sử dụng kem chống nắng như thế nào?
Tất cả mọi người, kể cả trẻ em, thiếu niên đều nên thoa kem chống nắng. Nên thoa kem chống nắng ban ngày, ngay cả khi khi cảm thấy trời râm mát.
- Thoa kem chống nắng ít nhất 15 phút rồi mới ra đường.
- Thoa lại sau 2-5 tiếng, tuỳ loại kem chống nắng sử dụng. Nếu bạn có trang điểm thì nên sử dụng kem chống nắng dạng xịt hoặc dạng phấn phủ để bổ sung cho lần thoa kem chống nắng tiếp theo.
- Bảo vệ da môi bằng cách thoa dưỡng môi có chống nắng.
- Khi thoa kem chống nắng, đừng quá “tiết kiệm” mà hãy thoa một lớp đủ dày để che phủ toàn bộ bề mặt da mặt, cổ và những phần da bị hở tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Đối với các bạn thường xuyên trang điểm, mặc dù trong thành phần của các sản phẩm trang điểm như phấn nền có kem chống nắng, nhưng không đủ để bảo vệ da trước tia UV. Hơn nữa, lớp kem dưỡng bên dưới tạo nên lớp màng khiến các thành phần chống nắng không thể thẩm thấu vào da. Vì thế nên thoa kem chống nắng trước khi trang điểm, hoặc chọn loại kem dưỡng da ban ngày có độ chống nắng.
Chọn kem chống nắng vừa có chỉ số SPF từ 30 trở lên để chống lại tia UVB (khiến da bị cháy nắng, sậm màu) và cả PA để có thể bảo vệ trước tia UVA (khiến da bị lão hóa).
PA là cách để đánh giá mức độ chống tia UVA. Dấu cộng đằng sau chữ PA xác định mức độ chống tia UVA của sản phẩm là nhiều hay ít. Ví dụ PA+++ có nghĩa là sản phẩm có khả năng chống tia UVA cao.
Dùng riêng sản phẩm kem chống nắng da mặt và kem chống nắng toàn thân. Việc dùng kem chống nắng toàn thân cho vùng mặt sẽ khiến da mặt rất bí, đổ dầu nhiều và dễ sinh ra mụn do sản phẩm chống nắng dành cho da toàn thân thường rất nhiều chất dầu.
Đối với người làm việc tại văn phòng, ít khi ra ngoài trời, thì kem chống nắng vẫn rất cần thiết, vì tia UV có thể xuyên qua cửa kính, gây nên nám, tàn nhang, nếp nhăn, lão hóa.
Tránh bôi kem chống nắng vào niêm mạc vì một số loại kem chống nắng có thể gây kích ứng nếu dính vào vùng niêm mạc như mắt, miệng…
Không cần thiết phải sử dụng 2 sản phẩm kem chống nắng cùng lúc, vì chỉ có loại có chỉ số SPF cao nhất phát huy tác dụng, loại thấp hơn sẽ không có tác dụng.
Loại bỏ kem chống nắng đã hết hạn sử dụng, vì lúc này nó giảm giảm tác dụng, giảm chức năng bảo vệ và còn gây hại cho da.
Nên bổ sung vitamin D khi sử dụng kem chống nắng.
Không pha, trộn lẫn kem chống nắng và kem dưỡng với nhau vì có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của các sản phẩm.
Kem chống nắng có hai loại:
– Kem chống nắng vật lý bảo vệ da bằng cách tạo một lớp màng để chắn các tia cực tím. Vậy nên các loại kem chống nắng vật lý khi thoa lên thường để lại một lớp màng màu trắng khá khó chịu trên da.
– Kem chống nắng hoá học bảo vệ bằng cách hấp thụ hết các tia cực tím.
Tuỳ vào da sẽ lựa chọn sản phẩm phù hợp. Thông thường, kem chống nắng hoá học dễ gây kích ứng hơn kem chống nắng vật lý. Vì thế kem chống nắng hóa học không phù hợp với da nhạy cảm hoặc da mụn. Tuy nhiên, nếu da bị dị ứng với các loại khoáng chất thì không nên dùng kem chống nắng vật lý.