Da khô có biểu hiện như thế nào?
Da khô mụn: Da khô khiến da tiết ra nhiều dầu hơn bình thường, có thể dẫn đến bít tắc lỗ chân lông, nổi mụn nhiều hơn. Theo đó, các sản phẩm điều trị mụn cũng có thể gây khô và bong tróc da ở mức độ nhẹ hoặc nặng.
Da khô nứt nẻ: Vào những ngày thời tiết lạnh, da thường bị nứt nẻ đau ở tay, mặt và đặc biệt là môi. Nứt nẻ được gây ra bởi thiếu hoặc giảm lượng dầu tự nhiên giúp da chống đỡ lại tình trạng này.
Da khô sần: Một số trường hợp da khô đi kèm với các nốt sần có thể cứng hoặc mềm và di chuyển.
Da khô ngứa: Da khô đi kèm với cảm giác ngứa, tạo cảm giác muốn gãi trên cánh tay hoặc chân hoặc trên toàn bộ cơ thể. Người lớn tuổi thường gặp tình trạng này, do càng lớn tuổi thì da càng khô hơn.
Da khô thiếu nước: Khi cấu trúc nền của da bị suy yếu, da không thể giữ nước, dẫn đến tình trạng thiếu nước trên da, da trở nên sẫm màu, mất tính đàn hồi và da xuất hiện nếp nhăn, thiếu mềm mại và săn chắc.
Những nguyên nhân gây khô da
Làn da khô ráp có thể là do di truyền, tuổi tác hoặc mắc các bệnh lý về da như bệnh chàm, vẩy nến, viêm da… Ngoài ra, một số nguyên nhân sau cũng có thể khiến da bị khô như:
Tiếp xúc thường xuyên với tia UV: Mặc dù tia UV từ ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, nhưng nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ khiến da sạm, nám, lão hóa, nhăn nheo và trở nên khô, thô ráp. Nguyên nhân là do tia UV làm thoái hóa tế bào, mô sợi và mạch máu của da, từ đó dẫn đến các vấn đề nêu trên.
Sử dụng sản phẩm chăm sóc da không phù hợp: Một trong những nguyên nhân phổ biến gây khô da là không biết da mặt khô nên dùng gì. Da khô cần được chăm sóc đặc biệt bằng các loại mỹ phẩm riêng biệt. Bởi nếu dùng các sản phẩm không phù hợp sẽ khiến da bị kích ứng và trở nên khô hơn.
Rửa mặt không đúng cách: Rửa mặt quá nhiều lần, rửa mặt bằng nước quá nóng hay quá lạnh là những sai lầm khiến da trở nên khô ráp và bong tróc.
Thời tiết: Sự thay đổi thời tiết cũng là nguyên nhân khiến da bị mất ẩm.
Lối sống không lành mạnh, chế độ ăn uống không khoa học: Thức khuya, căng thẳng kéo dài, sử dụng các chất kích thích, hút thuốc lá, rượu bia… là những nguyên nhân khiến làn da kém sắc, xỉn màu và khô sạm. Ngoài ra, cơ thể không được bổ sung đủ nước và thiếu các chất dinh dưỡng như axit béo, vitamin… cũng dẫn dẫn đến tình trạng da thiếu ẩm và bị khô.
Tất cả các yếu tố trên đều khiến cơ thể sản sinh ra men tiêu hủy cấu trúc nền của da (MMPs), làm đứt gãy, tiêu hủy các protein dạng sợi (Collagen, Elastin, Laminin, Fibronectin) và các phân tử giữ nước proteoglycan. Lúc này, khả năng giữ nước giảm, da thiếu sự đàn hồi, săn chắc và trở nên khô ráp, dễ bong tróc, thiếu sức sống.
Da mặt khô nên dùng gì để không bị lão hóa sớm?
Sữa rửa mặt dạng kem hoặc gel
Với làn da khô, bạn nên sử dụng các loại sữa rửa mặt có dạng kem hoặc gel, có độ pH từ 5-6 và chứa các thành phần cấp ẩm như: Glycerin, Hyaluronic Acid, Lauric Acid, Vitamin A, C, E, tinh chất thiên nhiên… Hạn chế các sản phẩm có chất tẩy rửa mạnh, xà phòng, hương liệu… vì có thể gây kích ứng da.
Tẩy tế bào chết cho da khô
Tẩy tế bào chết cho da khô 2-3 lần/tuần là giải pháp để tạo bề mặt da thông thoáng, kích thích quá trình tái tạo tế bào, ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm. Tuy nhiên, với những người có da khô bong tróc ở mức độ nặng chỉ nên tẩy tế bào chết 1 lần/tuần, đồng thời lựa chọn mua kem tẩy tế bào chết có thành phần lành tính, chứa chất dưỡng ẩm và dịu nhẹ. Ngoài ra, bạn cũng có thể tẩy tế bào da chết bằng những nguyên liệu từ thiên nhiên như đường nâu và sữa chua, chanh và lòng trắng trứng, mật ong và cám gạo, bột trà xanh, nghệ tươi và mật ong… cũng như tẩy da cẩn thận vì có thể làm da khô hơn.
Lưu ý, khi tẩy tế bào chết cho da khô không nên chà xát quá mạnh. Sau khi loại bỏ các tế bào da xỉn màu, bạn cần phải che chắn kỹ lưỡng vì lúc này làn da dễ cháy nắng. Đặc biệt là khi tẩy tế bào chết bằng nước cốt chanh, dù là nguyên liệu làm đẹp da an toàn và lành tính nhưng chanh dễ bắt nắng, có thể gây sạm da nếu bạn không rửa sạch và bảo vệ da khỏi các tia UV.
Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da khô
Sử dụng kem dưỡng chính là cách cấp ẩm, nuôi dưỡng và bảo vệ làn da đơn giản nhất. Với các thành phần giữ ẩm cao, kem sẽ hạn chế tình trạng bong tróc da, ngăn ngừa lão hóa và mụn… trả lại làn da căng mịn và tràn đầy sức sống.
Da mặt khô nên dùng các sản phẩm dưỡng ẩm lành tính và cấp ẩm sâu như Axit Hyaluronic, Ceramides, Vitamin E, dầu hạt bơ…
Kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên
Chọn mua kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và có khả năng giữ ẩm. Tránh các thành phần gây kích ứng da như Octinoxate, Retinyl Palmitate, Avobenzone….
Xịt khoáng cấp ẩm cho da khô
Xịt khoáng sẽ là bước cấp nước trực tiếp và tiện lợi nhất cho da. Sau khi đi nắng, trang điểm hoặc khi da có các dấu hiệu khô ráp, bạn có thể dùng xịt khoáng để cấp ẩm tức thì, hạn chế tình trạng da khô sần sùi do thiếu ẩm.
Mặt nạ dưỡng ẩm
Đắp mặt 2-3 lần/tuần để cấp ẩm, duy trì làn da luôn săn chắc và mềm mịn. Các loại mặt nạ dưỡng ẩm tuyệt vời cho da khô như: Mặt nạ chuối, sữa chua và mật ong; mặt nạ bơ và sữa chua; mặt nạ đu đủ và mật ong; mặt nạ dâu tây; mặt nạ xoài và dầu ô liu; mặt nạ trứng gà và mật ong; mặt nạ bột yến mạch và sữa chua…
Những lưu ý khi chăm sóc da mặt khô
Bên cạnh việc lựa chọn các sản phẩm skincare phù hợp, bạn cũng nên lưu ý một số điều sau khi chăm sóc da mặt khô tại nhà:
- Cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể (1.5 – 2 lít nước/ngày) để đảm bảo làn da luôn ẩm mịn.
- Không sử dụng sữa rửa mặt có thành phần hóa học cao, tẩy rửa mạnh.
- Luôn bôi kem chống nắng từ 15 – 30 phút trước khi ra ngoài và nên bôi lại sau 2- 3 tiếng cũng như bảo vệ làn da cẩn thận khi tiếp xúc với khói bụi, ánh nắng mặt trời.
- Đắp mặt nạ dưỡng ẩm thường xuyên, hoặc có thể sử dụng các loại mặt nạ có tác dụng ngăn ngừa lão hóa da.
- Từ bỏ thói quen rửa mặt bằng nước nóng vì có thể làm mất đi lớp dầu nhờn tự nhiên trên da.
- Ăn nhiều rau củ quả và các loại trái cây để cung cấp các vitamin và dưỡng chất có lợi cho làn da.