Tăng axit uric là một nguyên nhân gây nên tình trạng gout. Tuy nhiên đối với người có nồng độ axit uric bình thường cũng không loại trừ đang bị gout.
Nồng độ axit uric không phải “tiêu chuẩn vàng”
Đặc trưng của bệnh là các cơn đau, sưng, đỏ và đau đột ngột, dữ dội ở một hoặc nhiều khớp, thường gặp nhất là ở ngón chân cái. Tình trạng viêm, tấy đỏ, hoặc đau âm ỉ kéo dài sau một cơn gout cấp sẽ khiến người bệnh hạn chế vận động, thậm chí không đi được.
Bệnh gout thường đi cùng với các bệnh rối loạn chuyển hóa khác như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid…
Tăng axit uric là một nguyên nhân gây nên tình trạng gout (tăng trên 420 µmol/l ở nam và trên 360 µmol/l ở nữ). Tuy nhiên, người có nồng độ axit uric bình thường vẫn có thể bị gout. Những người bệnh có nồng độ axit uric cao, nhưng không có triệu chứng của bệnh thì chưa kết luận chính xác là bị gout.
Một yếu tố rất đáng lưu ý với bệnh nhân gout là việc tuân thủ phác đồ rất quan trọng quyết định đến kết quả điều trị. Nếu không điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng của gout như: viêm khớp, thoái hóa khớp… gây biến dạng khớp và tàn phế.
Ngoài ra còn một số biến chứng khác như suy thận, sỏi thận, gãy xương, các bệnh lý tim mạch…
“Điều trị bằng thuốc chỉ là phần ngọn”
“Thực chất khi điều trị bằng thuốc đối với bệnh gout thì chỉ điều trị phần ngọn, còn phần gốc phụ thuộc vào chính người bệnh. Làm sao để người bệnh hiểu được nguyên nhân gây bệnh thì mới hợp tác, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất”
Vậy chế độ ăn và lối sống thế nào sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh gout và sẽ giảm mức độ bệnh nếu đã mắc?
Theo đó, cần tránh ăn nhiều các thực phẩm chứa nhiều purin – một trong những chất dẫn xuất, phân tách thành axit uric thường có nhiều trong nội tạng động vật, các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo…).
Hạn chế sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc chứa salicylate vì chúng sẽ làm tăng nguy cơ tăng axit uric trong máu. Hạn chế uống rượu bia, đặc biệt nước ngọt có gas. Có thể uống rượu vang nhưng với lượng ít, với 150ml/ngày, uống nhiều nước để tăng thải axit uric.
Tăng cường ăn các loại rau củ quả. Bổ sung vitamin C khoảng 500mg/ngày. Tăng cường ăn các loại rau xanh như cải xanh, bổ sung protein từ các thực phẩm khác như sữa, trứng, thịt, cá…
Lưu ý, hạn chế mang giày quá chật vì không tốt cho các khớp, đặc biệt các khớp bị đau, từ đó làm mức độ cơn đau nhiều hơn.
Ai dễ mắc bệnh gout?
Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh gout cao gồm: thừa cân, béo phì, nam giới sau 40 tuổi, nữ giới sau độ tuổi mãn kinh, người uống thuốc lợi tiểu… Nguy cơ này càng cao hơn khi chúng ta lạm dụng rượu bia, dùng chất kích thích, có lối sống không lành mạnh…
Ngoài ra, gout là một bệnh lý có yếu tố di truyền, các nhà khoa học đã được tìm thấy là một số gen có mối liên hệ với tình trạng tăng axit uric trong máu gây ra bệnh gout.