VAI TRÒ CỦA Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH UNG THƯ

VAI TRÒ CỦA Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH UNG THƯ

Nếu như với Tây y, việc điều trị Ung thư được phối hợp nhiều phương pháp tuỳ thuộc vào giai đoạn phát hiện và chẩn đoán xác định loại ung thư. Thì từ kinh nghiệm lâu đời, Y học cổ truyền khi điều trị Ung thư sẽ hướng đến các mục tiêu: Nâng cao sức khoẻ người bệnh; hạn chế sự tiến triển của khối u, giảm đau, ngăn chặn xuất huyết; Hỗ trợ điều trị tác dụng phụ của các liệu pháp hoá, xạ, phẫu thuật trong ung thư.

Ung thư và Điều trị ung thư theo Y học hiện đại (YHHĐ)

Ung thư là sự phát triển bất thường các tế bào bình thường của cơ thể, hay nói khác đi ung thư là khi các tế bào trong cơ thể liên tục sản sinh không theo quy luật tự nhiên và có thể xảy ra ở khắp nơi trong cơ thể. Khi các yếu tố nguy cơ trong đời sống làm tổn thương và rối loạn các thành phần mang tính di truyền (gen) trong nhân tế bào mà không thể kiểm soát được, các tế bào này sẽ tạo thành các mảng, các cục và thường được gọi là khối u. Nếu các tế bào của khối u không lan toả và xâm lấn thì gọi là u lành tính và không phải ung thư. Ngược lại, nếu các tế bào phát triển vô tổ chức, có hình dáng lớn hơn tế bào bình thường, nhân to hơn, bờ nét không đều, xâm nhập vào các mô hoặc các cơ quan khỏe mạnh, hoặc lây lan khắp cơ thể qua đường máu hay hệ bạch cầu và liên tục phát triển mạnh thì các khối u này là u ác tính hay còn gọi là ung thư.

Các yếu tố nguy cơ gây đột biến gen hình thành ung thư có thể kể như: khói thuốc lá, tia cực tím và bức xạ ion hoá, nhiễm trùng (bao gồm cả vi trùng, virus, ký sinh trùng), stress, thiếu oxy tế bào do thiếu luyện tập, thuốc – hoá chất, rượu, dinh dưỡng thừa hoặc thiếu (trong đó có thực phẩm ôi thiu – nấm mốc), rối loạn miễn dịch – di truyền… Các yếu tố nguy cơ này gây nên hàng loạt đột biến, kích hoạt các tế bào phát triển và phân chia theo cấp số nhân. Khối u ác tính khi được hình thành sẽ tăng sinh mạch máu, tự hút nhiều hơn chất dinh dưỡng, thay đổi khả năng biệt hoá tế bào, phá hoại mô xung quanh và di căn xa đến mô – cơ quan khác, gây rối loạn và ngưng trệ hoạt động các chức năng sống, kiệt quệ hệ miễn dịch, suy mòn, dẫn đến đau đớn và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Với đặc tính phát triển của ung thư, việc điều trị cần được phối hợp nhiều phương pháp tuỳ thuộc vào giai đoạn phát hiện và chẩn đoán xác định loại ung thư. Các phương pháp điều trị bao gồm: Phẫu thuật (tại chỗ), Xạ trị (tại vùng có khối u), Hoá trị – Nội tiết – Sinh học (toàn thân).

Trong vài thập niên gần đây, nhiều nỗ lực của các nhà khoa học nhằm đẩy lùi căn bệnh ác tính này, giải Nobel y học năm 2018 được trao cho 2 nhà khoa học nghiên cứu kích hoạt miễn dịch điều trị ung thư, được xem như một “Phát kiến – Cách mạng” cho cuộc chiến chống ung thư. Một là James P. Allison, 70 tuổi,  nhà nghiên cứu miễn dịch học người Mỹ, nghiên cứu khám phá ra một protein (CTLA-4) có chức năng như một cái “phanh” ức chế hệ miễn dịch nên hệ miễn dịch không có khả năng chống lại tế bào ung thư. Ông đã nhận ra tiềm năng trong điều trị ung thư bằng cách tháo “phanh” của protein này đối với tế bào T, và kích thích khả năng của các tế bào miễn dịch T trong cơ thể chống lại tế bào ung thư, chống khối u. Hai là nhà miễn dịch học Tasuku Honjo, 76 tuổi, người Nhật Bản phát hiện ra protein PD-1 cũng có khả năng ức chế, nhưng với cơ chế hoạt động khác loại protein CTLA-4 trên. Allison và Honjo chỉ ra các chiến lược khác nhau để “khóa” – vô hiệu hóa – những chiếc phanh này giúp cho hệ miễn dịch được giải phóng trong trị liệu ung thư. Những phát hiện “hạt giống” của hai chủ nhân giải Nobel đã tạo ra một bước tiến trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư. Nhờ phát minh của hai giáo sư, ngành dược đã sản xuất ra kháng thể kháng lại hai thụ thể PD-1 và CLTA-4, giúp tế bào miễn dịch nhận ra tế bào ung thư để tiêu diệt đích. Phương pháp này đã được thế giới áp dụng trong đó có nước ta và được coi là phương pháp chính thức để điều trị ung thư.

Hơn 100 năm qua, các nhà khoa học đã cố gắng đưa hệ miễn dịch vào cuộc chiến chống ung thư. Cho tới khi các phát hiện “hạt giống” của hai nhà giành giải Nobel ra đời, cho đến nay liệu pháp miễn dịch đã cách mạng hóa điều trị ung thư và thay đổi căn bản cách chúng ta nhìn nhận về việc kiểm soát căn bệnh.

Y học cổ truyền (YHCT) và ung thư

Thuật ngữ “ung thư” không tương đương ngữ nghĩa giữa Đông y và Tây y. Cùng với sự hiện diện rất sớm của mình, thầy thuốc YHCT qua quan sát đã mô tả các biểu hiện bệnh lý như ung thư hiện nay bằng các bệnh danh như Thủng lựu (chỉ các loại ung thư nói chung); Nhũ nham (khối cứng như đá trong vú – Ung thư vú), Phế nham (ung thư phổi), Thạch thư (ung thư xương); Nhục lựu (ung thư hạch, hoặc u lympho); Trưng hà (khối u ở bụng)…

Sách Linh Khu (Hoàng đế nội kinh Linh khu – thế kỷ thứ 2 – 3 trước công nguyên) cho rằng nguyên nhân gây “ung thư” theo YHCT là do khí huyết uất kết mà hình thành ung thũng, Nhiệt hun đốt khiến cơ nhục hủ hoá thành mủ, thành lở loét. Nếu nhiệt độc đi sâu vào trong gây tổn thương tạng phủ, ngũ tạng tổn thương thì sẽ tử vong.

Các yếu tố nguy cơ làm cho khí huyết ứ trệ, nhiệt độc sinh ra bao gồm:

Tình chí uất kết lâu ngày: phiền muộn – ưu sầu – lo nghĩ – căng thẳng thái quá làm cho tình chí rối loạn (thất tình), sơ tiết bất cập, khí cơ bất lợi, gây khí trệ huyết ứ.

Tỳ hư thấp tụ: Ẩm thực thất điều, tổn thương tỳ vị khí huyết hóa nguyên bất túc, gây ra tạng phủ khí huyết khuy hư. Tỳ hư thì đồ ăn không thể hóa thành tinh vi mà sẽ biến thành đàm trọc, đàm tắc khí trệ, đàm huyết hỗ kết mà hình thành ung nhọt, tích khối.

Chính khí nội suy: người lớn tuổi cơ thể suy nhược, hoặc do những bệnh mãn tính, hoặc do thất tình tổn thương gây khí nghịch khí trệ, thăng giáng không đều, hoặc do lao lực quá sức gây ra âm dương đều hư dẫn đến ngoại tà thừa cơ hội xâm nhập, lưu lại ở trong, cuối cùng dẫn đến huyết hành ứ trệ mà gây ra u cục.

Ăn uống cay nóng, uống nhiều rượu, hút thuốc là là những thứ đại nhiệt gây tổn thương tân dịch sinh đàm, đàm nhiệt uất kết, khí huyết ứ trệ gây bệnh.

Từ những nguyên nhân ấy, Y học cổ truyền điều trị Ung thư bao gồm các mục tiêu:

– Nâng cao sức khoẻ người bệnh, ngăn chặn và cải thiện suy kiệt do ung thư, những phương pháp được dùng như bổ khí, bổ huyết, bổ âm, bổ dương; các bài thuốc tiêu biểu như Bát trân gia giảm (Nhân sâm, Bạch linh, Bạch truật, Cam thảo, Xuyên khung, Đương quy, Thục địa, Bạch thược gia thêm Hoàng Kỳ, Mạch môn…), Lục vị gia giảm (Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Đơn bì, Bạch linh, Trạch tả gia thêm Mạch môn, Hoàng kỳ thành Sinh mạch tán, hoặc gia thêm Quế – Phụ tử thành Bát vị, và gia thêm một số vị thuốc khác tuỳ thuộc cơ địa người bệnh) Độc sâm thang (chỉ một vị Nhân sâm)…

– Hạn chế sự tiến triển của khối u, giảm đau, ngăn chặn xuất huyết… dùng các phép như Nhuyễn kiên hoá kết (tiêu ung), Hành khí tiêu đàm, Hoạt huyết hoá ứ, Lương huyết tiêu độc, Thanh nhiệt chỉ huyết… Các bài thuốc tiêu biểu như Nhị trần thang (Bán hạ chế, Trần bì, Bạch linh, Cam thảo gia thêm sinh khương, ô mai…) Địch đờm thang bài Nhị trần nêu trên gia thể Đởm nam tinh, Đảng sâm, Xương bồ, Trúc nhự… Bối mẫu qua lâu tán gồm Thiên hoa phấn, Bối mẫu, Qua lâu nhân, bạch linh, quất hồng, cát cánh, sinh mẫu lệ…

– Hỗ trợ điều trị tác dụng phụ của các liệu pháp hoá, xạ, phẫu thuật trong ung thư, các phép được dùng như tiêu đàm, nhuyễn kiên, hành khí, hoạt huyết, khử ứ, tiêu độc, thanh nhiệt… các bài thuốc tiêu biểu như Phổ tế tiêu độc ẩm (Hoàng liên, Hoàng cầm, Liên kiều, Trần bì, bản lam căn, Ngưu bàng tử, bạch cương tàm, Sài hồ, Cát cánh, Cam thảo); Hoàng liên giải độc thang ( Hoàng liên, Hoàng bá, Hoàng cầm, Chi tử), Sa sâm mạch môn thang (Sa sâm, Mạch môn, Ngọc trúc, thiên hoa phần, tang diệp, cam thảo…).

Nghiên cứu bài thuốc – dược liệu với ung thư

Từ những điều trị của YHCT nêu trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu tìm hiểu cơ sở khoa học và cơ chế tác động của các dược liệu – bài thuốc trên sinh học thực nghiệm, trên mô hình bệnh lý và cả trên lâm sàng.

Đã có nhiều nghiên cứu khoa học nhằm hạn chế phát triển khối u, nâng cao sức khoẻ người bệnh như kết hợp thuốc YHCT với thuốc Sinh học gefitinib/ icotinib/ erlotinib, giúp làm chậm diễn tiến của bệnh, kéo dài thời gian sống. Các vị thuốc được nghiên cứu như Thái tử sâm (Radix Pseudostellaria), Bạch truật (Rhizoma Atractylodis Macrocephalae), Hoàng kỳ (Radix Astragali), Nhân sâm (Radix Gingseng), Hoàng kỳ (Radix Astragali ), Mạch môn (Raidix Ophiopogonis), Đảng sâm (Radix Codonopsis), Bạch truật (Rhizoma Atractylodis Macrocephalae), Phục linh (Poria). Một số bài thuốc được nghiên cứu gồm Sâm Linh Bạch truật tán trên lâm sàng kết hợp điều trị ung thư Đại tràng, Sa sâm mạch đông thang, Kinh phong bại độc tán…

Một số nghiên cứu cho thấy kết hợp thuốc YHCT trên bệnh nhân xạ trị giúp giảm có ý nghĩa tần suất viêm phổi và các biến chứng do tia xạ gây nên. Các dược liệu phối hợp làm chủ dược có thể kể như Ophiopogonis Radix (Mạch môn), Astragali Radix (Hoàng kỳ), Rehmanniae Radix Praeparata (Thục địa), Angelicae Sinensis Radix (Đương quy), Adenophorae Radix (Sa sâm), Poria (Phục linh), Glycyrrhizae Radix et Rhizoma (Cam thảo).

Bên cạnh đó, còn có thể sử dụng thuốc YHCT để giảm đau, hoặc phối hợp thuốc YHCT và châm cứu, hoặc các giai đoạn muộn phối hợp morphin và thuốc YHCT giúp giảm các tác dụng phụ của morphin như lệ thuộc hoặc phải tăng dần liều, hoặc khô môi miệng… Các thuốc YHCT đã có nghiên cứu như Diên hồ sách (Corydalis Tuber), Thiên nam tinh (Rhizoma Arisaematis), Nhựa cóc (Venenum Bufonis), Tế tân (Asarum), Nam tinh (Arisaema Consanguineum) giúp giảm đau các loại ung thư, riêng Khổ sâm làm giảm đau trên bệnh nhân đau do ung thư xương. Một điều cần lưu ý là Nhựa cóc và Tế tân có độc, cần phải bào chế kỹ và thận trọng khi sử dụng.

Một số dược liệu YHCT như Hoàng kỳ, Tam thất, Vân chi, Linh chi, Tảo đen… được nghiên cứu nhiều và đã được ghi nhận các tác dụng tích cực trên nhiều loại ung thư:

Hoàng kỳ (Astragalus membranaceus) hỗ trợ điều trị chống ung thư thông qua cơ chế điều hòa miễn dịch: ức chế sự xâm lấn của các tế bào khối u; làm giảm tỷ lệ và sự tăng sinh của tế bào ung thư gan bằng cách ức chế quá trình sao chép, đẩy nhanh tiến độ appoptosis (quá trình chết tế bào tự nhiên), tăng cường hoạt động của thực bào; kích thích hoạt động miễn dịch…

Tam thất (Panax notoginseng) có thành phần hoá học chính của Tam thất là Saponin, nên các bài báo gọi tắt là PNS. Các nghiên cứu ghi nhận tác dụng giảm đáng kể các gen đột biến thúc đấy sự phát triển và tiến triển của khối u bao gồm các gen như Hgf, Met, Notch3, Scd1, Epas1, Col1a1, Raf1, Braf1 và CDK6, đồng thời làm tăng đáng kể Rxrg ức chế khối u trên các mô hình ung thư phổi, ung thư gan và ung thư tiêu hoá. Ngoài ra, Tam thất có tác dụng giúp lưu thông tuần hoàn máu, chống viêm tấy giảm đau…

Nấm Vân chi (Yun Zhi) và Linh chi (Ling Zhi) là hai dược thảo quý hiếm truyền thống của phương Đông, được nghiên cứu và được đề cao nhất trong các loài nấm dược liệu do có khả năng hỗ trợ cơ thể chống ung thư bằng cách ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư, tăng cường hệ miễn dịch, ức chế sự tổng hợp ADN ở các tế bào ung thư vú và kìm hãm sự tăng sinh của các tế bào ung thư gan cũng như các tế bào ung thư biểu mô (carcinoma), các sarcoma và các tế bào ung thư máu (leukemia), thúc đẩy tế bào ung thư chết tự nhiên. Ngoài ra Nấm Vân chi thường được dùng trong kết hợp với hóa trị liệu để tăng tỉ lệ sống sót trong bệnh nhân ung thư. Ở Nhật Bản, từ năm 1970, PSK từ nấm Vân chi đã được chứng minh có khả năng kéo dài thời gian sống thêm 5 năm hoặc hơn cho các bệnh nhân ung thư thuộc nhiều thể loại: ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư phổi và ung thư vú.


Kết quả nghiên cứu nêu trên, có thể nói rằng cơ chế chính của một số dược liệu YHCT trong hỗ trợ điều trị chống ung thư là điều hoà miễn dịch, điều này tương quan gần thế nào với phát kiến của hai nhà khoa học được nhận giải Nobel y học 2018 còn cần phải tiếp tục nghiện cứu nhiều và sâu hơn, nhưng điều đó cũng loé lên ánh sáng về cơ sở khoa học cho việc sử dụng thuốc YHCT trong điều trị cho người bệnh.

Cho đến nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học nhằm giúp duy trì sức khoẻ người, sống lâu và sống khoẻ hơn, y học đã có những tiến bộ vượt bậc nhằm hy vọng điều trị triệt để ung thư. Tuy nhiên điều này còn tuỳ thuộc vào việc phát hiện sớm, chẩn đoán xác định sớm khối u. Việc này không chỉ nhờ thầy thuốc mà còn do phía người bệnh, tự lắng nghe cơ thể, tự phát hiện những rối loạn – những dấu hiệu từ cơ thể mình, kịp thời thông tin thầy thuốc sẽ có phác đồ điều trị phù hợp, góp phần làm giảm thiểu tỷ lệ tử vong do ung thư đang trong nhóm gây tử vong hàng đầu cho con người trên hành tinh này.

Với ngày càng nhiều công trình khoa học nghiên cứu tác dụng của chính các bài thuốc – các dược liệu đông y sử dụng theo kinh nghiệm xưa nay, kết quả minh chứng cơ sở khoa học của sự tồn tại nền y học truyền thống này trong chăm sóc sức khoẻ, phòng và điều trị bệnh tật nói chung. Riêng với ung thư, thuốc từ dược liệu YHCT ngoài tác dụng bổ dưỡng cơ thể, điều trị triệu chứng và giúp giảm tác dụng phụ của Hoá – Xạ trị, còn có vai trò khá rõ rệt trong điều trị hỗ trợ chống ung thư bằng cơ chế điều hoà miễn dịch. Tuỳ vào bệnh cảnh, thể chất, cơ địa người bệnh ung thư mà sử dụng các bài thuốc cổ phương gia giảm, hoặc đối chứng lập phương bao gồm các dược liệu làm tăng chính khí, đẩy lùi bệnh tật (tà khí), tăng sức chịu đựng cơ thể, tăng khả năng phục hồi sức khoẻ theo từng mức độ hỗ trợ điều trị ung thư hoặc hỗ trợ điều trị biến chứng cùng tác dụng phụ của các phương pháp trúng đích Tây y như Hoá – Xạ trị. Các nghiên cứu gần đây đã khẳng định điều ấy và phải chăng giúp chúng ta thấy rõ hơn cơ chế tác động của các bài thuốc và một số dược liệu YHCT trong vai trò miễn dịch, điều chỉnh ức chế “phanh” tự thân của các protein, tức ức chế quá trình phát triển ung thư như công bố của hai nhà khoa học Allison và Honjo. Điều này cần nhiều nghiên cứu hơn cả trên thực nghiệm và lâm sàng để khẳng định, tuy nhiên từ kinh nghiệm lâu đời sử dụng YHCT trong một số bệnh có diễn biến như ung thư, đến kết quả nghiên cứu như hiện nay cũng khiến cần nhìn nhận vai trò của thuốc YHCT một cách nghiêm túc trong chiến lược điều trị chống ung thư.

 

 

Ung Thưカテゴリの最新記事