Đường là “kẻ thù” của béo phì, từ đó dẫn đến các bệnh ung thư và làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh và khó kiểm soát hơn. Người bệnh sau đó dễ bị suy dinh dưỡng và chứng suy mòn.
Không nên dùng đường khi bị ung thư
Các bác sĩ Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết đường là chất dinh dưỡng cần cho mọi tế bào trong cơ thể. Nhu cầu năng lượng của cơ thể chủ yếu lấy từ nhóm đường bột (60-70%), do vậy để duy trì sự sống của cơ thể thì người bệnh vẫn cần sử dụng đường bột trong chế độ ăn uống.
Việc dùng đường không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh lý ung thư. Tuy nhiên khi dùng vượt quá nhu cầu đường thì dẫn đến tăng nguy cơ thừa cân béo phì (nguy cơ này tăng lên 1,55 lần). Và thừa cân béo phì mới là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng 2-4 lần tỉ lệ các bệnh ung thư.
Với người bệnh ung thư, bác sĩ Dương Công Minh, trưởng khoa dinh dưỡng – tiết chế Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) – cho hay thói quen ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm thiểu được nhiều bất lợi do quá trình điều trị cũng như chính bản thân căn bệnh mang lại.
Người bệnh cần ăn chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm và nên chia nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa ăn lớn chính, ăn đủ chất nhưng không gây đầy bụng.
Lưu ý cần tránh các thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường, những thức ăn khô, thô, cứng (bánh mì nướng, bánh quy giòn…), thức ăn cay, mặn và tránh trái cây và nước quả có vị chua (cam, quýt, bưởi…).
Riêng bệnh nhân ung thư đường bài xuất tiết niệu, các bác sĩ Bệnh viện K cũng khuyến cáo không nên dùng đường vì chúng là kẻ thù đối với bệnh nhân ung thư, vì sẽ làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh và khó kiểm soát hơn.
Bên cạnh đó, cần tránh dùng cà phê hay sô cô la vì đây là những loại thực phẩm phổ biến có chứa nhiều caffeine, sẽ kích thích bàng quang hoạt động nhiều hơn khiến tình trạng bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng.
Đồ ăn cay nóng, đồ ăn mặn, nhiều dầu mỡ cũng nên tránh vì chúng có thể khiến bàng quang người bệnh bị kích thích. Rượu, bia, chất kích thích, đồ uống có gas, thuốc lá… là các tác nhân gây ra nhiều loại ung thư.
Suy dinh dưỡng, chứng suy mòn
Bác sĩ Dương Công Minh cho biết ung thư và quá trình điều trị ung thư có thể gây nên tình trạng chán ăn, khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể suy giảm… dẫn đến suy dinh dưỡng. Hậu quả là bệnh nhân gầy yếu, mệt mỏi, không đủ sức đề kháng chống đỡ nhiễm trùng cũng như không chịu nổi liệu pháp điều trị ung thư nặng nề.
Một vấn đề rất thường gặp ở bệnh nhân ung thư là ăn quá ít đạm, trong khi đó dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp bệnh nhân mau lành vết thương, chống nhiễm trùng và cung cấp năng lượng cho cơ thể sống còn.
Thực tế, hầu hết bệnh nhân đòi hỏi các mức độ can thiệp dinh dưỡng khác nhau trong suốt quá trình điều trị và tiến triển của bệnh. Lên kế hoạch tổng thể cho toàn bộ quá trình điều trị là việc quan trọng vì việc điều trị có thể kéo dài nhiều tuần, tháng và nhiều giai đoạn.
Khi người bệnh điều trị tia xạ và hóa trị liệu thường gây ra chán ăn và những vấn đề khác khi ăn và nuốt, hoặc các vấn đề làm trầm trọng các yếu tố đã xuất hiện từ trước. Nguy cơ cạn kiệt dinh dưỡng đặc biệt cao ở những người đã trong tình trạng suy dinh dưỡng.
Nghiện thuốc lá gây ung thư đường bài xuất tiết niệu trên?
Bệnh viện K cho hay ung thư đường bài xuất tiết niệu trên là những khối u ác tính, phát triển từ tế bào niêm mạc đài thận, bể thận và niệu quản. Đây là một bệnh hiếm gặp, chỉ chiếm từ 5-10% ung thư biểu mô của toàn bộ đường tiết niệu, với tần suất mắc khoảng 1-2 trường hợp/100.000 người.
Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 50-70 tuổi, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Nguyên nhân của bệnh chưa thực sự rõ ràng, nhưng nhiều yếu tố nguy cơ được đề cập đến là do môi trường sống như nghiện thuốc lá, thuốc nhuộm công nghiệp hay các hội chứng khối u di truyền.