Muối là khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người. Tuy nhiên, việc tiêu thụ muối quá mức, bao gồm muối trong các loại gia vị, thực phẩm chế biến sẵn… có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực về sức khỏe.
Những con số đáng báo động
Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng muối nhiều hơn hàm lượng được khuyến nghị. Số liệu từ Cục Y tế Dự phòng năm 2015 cho thấy trung bình mỗi ngày một người Việt trưởng thành tiêu thụ khoảng 9,4g muối/ngày, cao gần gấp đôi khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là ít hơn 5g/ngày (chỉ khoảng 1 thìa cà phê).
Theo WHO, ăn mặn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của nhiều bệnh mạn tính. Bởi trong ngày, một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 2.000mg natri (yếu tố tạo nên vị mặn), tương đương 5g muối.
Nếu ăn nhiều hơn 5g muối/ngày, cơ thể sẽ bị mất cân bằng chỉ số natri và kali, khiến thận lọc nước kém. Điều này dẫn tới nguy cơ cao bị tăng huyết áp do có nhiều chất lỏng không được lọc, cũng như gây thêm áp lực cho các mạch máu, thậm chí làm tắc nghẽn động mạch. Thói quen ăn mặn cũng chính là nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận, bệnh dạ dày và hệ xương khớp.
Mỗi năm, thế giới ghi nhận khoảng 17,3 triệu ca tử vong sớm do bệnh tim mạch, dự báo đến năm 2030, con số này tăng lên 23 triệu ca. Trong khi đó, tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch.
Thay đổi thói quen để bảo vệ sức khỏe
Phần lớn người Việt thích món ăn có hương vị đậm đà nên khi nêm nếm dễ bị “quá tay”. Bên cạnh đó, đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp hay muối chua vốn nhiều muối cũng là món ăn ưa thích của không ít người hiện nay.
Để giảm lượng muối tiêu thụ, theo khuyến cáo của WHO, mọi người nên giảm bớt muối khi nấu ăn, chấm nhẹ tay, giảm thực phẩm mặn.