Tuổi tác càng cao, khát khao trẻ mãi không già càng trở nên mãnh liệt. Tuy nhiên, trẻ hóa cơ thể khi bước sang tuổi 40, 50 có thể đòi hỏi một liệu pháp rất tốn kém, và nhiều người thuộc giới siêu giàu không ngần ngại “vung tiền” để theo đuổi giấc mộng này…
Hồi cuối tháng 9/2022, một hội nghị các nhà đầu tư về chủ đề “trường sinh bất lão” đã diễn ra trong bầu không khí sôi động tại thị trấn nghỉ mát Gstaad trên dãy núi Alpes của Thụy Sĩ. Thành phần khách mời gồm ba nhóm: các nhà đầu tư siêu giàu (67%), các lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao (19%) và các nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ sinh học (14%). Dù là khách mời, mỗi người trong số họ phải nộp 4.500 USD mới có thể tham dự.
Tại hội nghị, các nhà khoa học đã giới thiệu nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau nhằm mục đích kéo dài số năm con người có thể sống trong tình trạng sức khỏe tốt. Theo tờ Business Insider, thậm chí ngày càng nhiều doanh nhân công nghệ muốn sử dụng tài sản của họ cho các mục đích chống lão hóa. Bên cạnh việc dùng thực phẩm bổ sung, tuân thủ việc tập thể dục nghiêm ngặt, họ còn đầu tư hàng triệu USD vào những công ty sinh học, dự án nghiên cứu công nghệ chống lão hóa, trẻ hóa, giúp kéo dài tuổi thọ.
Hiện nay, các tỷ phú như ông Angermayer đều mong muốn trở thành nhà đầu tư nghiên cứu tuổi thọ lớn nhất. Phần lớn trong số 4,4 tỉ USD đầu tư trong năm năm qua để nghiên cứu công nghệ “tái lập trình tế bào” có giúp sống lâu hơn không, được chuyển cho Công ty công nghệ sinh học Altos Labs ở Mỹ. Hai nhà tài trợ chính là tỉ phú Jeff Bezos (Mỹ) và tỉ phú Yuri Milner (người Israel gốc Nga).
Jeff Bezos đã rót tiền vào Altos Labs, công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học tập trung vào “lập trình trẻ hóa tế bào để khôi phục sức khỏe, với mục tiêu đẩy lùi bệnh tật, kéo dài tuổi thọ”. Khoản đầu tư khổng lồ của người sáng lập Amazon đã khiến Altos trở thành công ty công nghệ sinh học bắt đầu hoạt động với số vốn lớn nhất, theo Financial Times. Được giám sát bởi các nhóm gồm những người nổi tiếng trong lĩnh vực, từng đạt giải Nobel, Altos mở hai phòng thí nghiệm ở California (Mỹ), một phòng thí nghiệm ở Cambridge (Anh) và hợp tác với các nhà khoa học của Nhật Bản.
Người đồng sáng lập PayPal, Peter Thiel, cho rằng cuộc sống không vĩnh cửu nhưng có thể kéo dài và đã đổ hàng triệu USD vào lĩnh vực nghiên cứu tuổi thọ những năm qua. Ông là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Unity Biotechnology, công ty phát triển các loại thuốc nhắm vào các tế bào lão hóa, từ năm 2012. Đến 2017, Thiel tiếp tục chi 7 triệu USD cho Alcor Life Extension Foundation, tập trung vào kỹ thuật đông lạnh xác người để ngăn chặn quá trình lão hóa. Ông còn có một số khoản đầu tư vào những công ty công nghệ sinh học qua quỹ do mình sáng lập như Thiel Foundation và Founder Fund.
Mối quan tâm của nhà đồng sáng lập Google, Sergey Brin, đối với nghiên cứu về tuổi thọ được đánh giá là mang tính cá nhân hơn. Năm 2008, ông tiết lộ mình bị đột biến gen và dễ mắc bệnh Parkinson. Theo Forbes, những năm qua, Sergey Brin đã rót hơn một tỷ USD cho một số dự án kéo dài tuổi thọ. Ngoài việc đổ tiền vào Calico Labs năm 2015, ông cũng tuyên bố nhóm nghiên cứu Khoa học và Đời sống của Google sẽ trở thành một đơn vị độc lập trực thuộc Alphabet và đổi tên thành Verily Life Science. Từ đó, công ty phát triển thiết bị chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn Verily Study Watch – giúp mọi người có một cuộc sống lành mạnh hơn.
Nhiều người giàu khác trên thế giới cũng đang tìm kiếm chìa khóa của sự bất tử, hoặc ít nhất là phương pháp để duy trì tuổi thọ cao hơn. Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman đã đầu tư 180 triệu đô la vào một công nghệ sinh học nhằm tìm cách trì hoãn cái chết trong 10 năm. Ông đã đến thăm cơ sở nghiên cứu của Celularity, một công nghệ sinh học được giao dịch công khai nhằm phát triển các liệu pháp tế bào gốc. Doanh nhân này từ chối nêu tên bất kỳ công ty cụ thể nào nhưng ông chia sẻ với Insider rằng đã đầu tư vào một ứng dụng theo dõi quá trình tập luyện và sức khỏe của người dùng để đưa ra lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng cũng như nghiên cứu tế bào gốc.
Liệu pháp thở oxy cao áp (HBOT) cũng thường được giới nhà giàu áp dụng để chống lão hóa. Để xác minh tác dụng chống lão hóa của buồng oxy cao áp, Đại học Tel Aviv từng mời 35 người trên 64 tuổi, sức khỏe ổn định tham gia thí nghiệm. Họ được thở oxy tinh khiết 90 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần. Kết quả sau 3 tháng, lượng tế bào lão hóa trong cơ thể giảm 37%, độ dài telomere tăng 20% – tương đương với việc trẻ ra 25 tuổi. Mặc dù liệu pháp HBOT chưa có nghiên cứu sâu song giới thượng lưu châu Âu, Mỹ rất hưởng ứng. Justin Bierber từng chi hàng chục triệu đô để trang bị buồng oxy cao áp trong nhà làm chỗ nghỉ ngơi. Cầu thủ bóng rổ LeBron James cũng sử dụng nó để tăng tốc độ phục hồi cơ thể.
Mới đây, các nhà khoa học Harvard tuyên bố họ đang tiến gần hơn đến nguồn thuốc “trường sinh” có thể giúp con người đảo ngược quá trình lão hóa. Tiến sĩ David Sinclair, một nhà sinh học phân tử tại Trường Y Harvard (Mỹ) và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết nhóm của ông đã phát hiện 6 loại hỗn hợp hóa học có thể giúp trường sinh, đảo ngược quá trình lão hóa ở tế bào “trong vài năm”. Tiến sĩ Sinclair cho biết: “Khám phá mới này mang đến khả năng đảo ngược quá trình lão hóa chỉ bằng một viên thuốc duy nhất, có thể giúp cải thiện thị lực đến điều trị hiệu quả các bệnh liên quan đến tuổi tác”.
Tiến sĩ Sinclair đã chia sẻ phát hiện này, cùng với tuyên bố các thử nghiệm trên người có thể bắt đầu trong năm tới. Bài đăng đã thu hút sự chú ý của ông chủ Twitter, tỉ phú Elon Musk. “Trước đây chúng tôi đã chứng minh rằng có thể đảo ngược tuổi tác bằng cách sử dụng liệu pháp gene để kích hoạt các gene của phôi thai. Bây giờ chúng tôi cho thấy điều đó là có thể thực hiện với các loại cocktail hóa học, một bước hướng tới trẻ hóa toàn bộ cơ thể với giá cả phải chăng”, Sinclair đăng trên Twitter. Ngay sau đó, ông Elon Musk tỏ ra lạc quan rằng nếu có đủ tiền, chỉ vài năm nữa thôi, sẽ có kết quả nghiên cứu khoa học khả thi về kéo dài tuổi thọ con người.