Cuốn sách tham khảo hữu ích giúp người đọc có kiến thức một cách hệ thống và đánh giá về cách ăn uống để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
Học cách ăn lành, sống khoẻ
Con người hoạt động nhờ việc nạp năng lượng hằng ngày. Trong đó năng lượng thể chất đều lấy được từ đồ ăn, thức uống và cách ăn uống ảnh hưởng đến tinh thần, cách suy nghĩ của con người. Thức ăn có thể làm cho con người trở nên an lạc, hiền hòa, từ bi… nhưng cũng có thể biến người ăn thành náo loạn, độc ác, bạo hành…Tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng đưa ra lựa chọn đúng đắn khi nói đến những gì chúng ta đưa vào cơ thể.
Tác giả Ngô Đức Vượng là một nhà nghiên cứu y học cổ truyền giàu kinh nghiệm rất tâm huyết về vấn đề này. Trong cuốn sách “Minh triết trong ăn uống của phương Đông” đã được tái bản lần thứ 17, gồm 6 chương, ông giúp bạn đọc nhận thức lại nhiều vấn đề liên quan đến thói quen ăn uống, cung cấp các kiến thức về: Khoa học thực dưỡng, Ăn uống theo nguyên lý âm dương, Chế độ ăn uống và sự biến cải của con người, Nhịn ăn chữa bệnh và Triển vọng của thực dưỡng. Ông cho rằng, mọi bệnh tật từ đơn giản đến phức tạp, nan y đều là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của cách ăn uống không hợp lý. Cách chữa bệnh đơn giản nhưng kết quả bền vững nhất là sửa đổi cách ăn uống cho phù hợp vì những gì chúng ta ăn đều tác động đến tuổi thọ, tính tình, giới tính và cả dáng vẻ bên ngoài.
Ăn uống theo nguyên lý âm dương
Con người là vũ trụ thu nhỏ, con người và môi trường sống thống nhất với nhau. Một cơ thể khỏe mạnh phải có sự cân bằng và phù hợp với chu kỳ biến đổi của tự nhiên. Vì vậy cần xem ăn uống như một phương thức để thực hiện và duy trì mối liên hệ hoà hợp giữa con người, thiên nhiên và vũ trụ.
Mọi thứ trong vũ trụ đều có tính chất âm hoặc dương. Sự cân bằng hai tính chất này đóng vai trò quan trọng để duy trì sức khỏe. Mỗi loại thực phẩm đều mang trong mình một đặc tính âm/ dương nhất định và đặc tính này có ảnh hưởng đến sự cân bằng âm dương trong cơ thể khi ăn vào. Sự mất cân bằng âm dương là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Ăn uống theo nguyên lý âm dương thì cơ thể chúng ta sẽ khoẻ mạnh, hạnh phúc.
Chúng ta cần phải thường xuyên duy trì tỉ lệ âm dương cân bằng khi chế biến và pha trộn chúng thâm nhập vào nhau. Nếu ta nấu thức ăn thịt, trứng và các thức ăn động vật mang tính dương cao yêu cầu ta phải gia giảm một lượng tương đối các thức ăn âm như hoa quả, đường, rau… để thiết lập sự cân bằng. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đề cập đến cách ăn uống hợp lý theo nguyên lý Thiên – Địa – Nhân hợp nhất, tức là sử dụng các nguyên liệu hữu cơ, ít hoặc không qua chế biến công nghiệp, theo mùa và có sẵn tại địa phương.
Bên cạnh những thông tin hữu ích thì cuốn sách này dựa trên những nghiên cứu, trải nghiệm và suy ngẫm của tác giả về thói quen ăn uống của người phương Đông, nên còn nhiều chỗ thiếu tính khách quan và có một vài quan điểm ăn uống vốn được cho là khoa học đã bị tác giả phủ định, như: ăn muối tinh không tốt, uống sữa bò gây hại cho sức khoẻ, giống nòi; uống nhiều nước không tốt cho sức khoẻ bởi vì quá nhiều nước khiến các bộ phận của cơ thể phải làm việc quá sức; ăn nhiều thịt gây mất cân bằng âm dương; nên thay cơm trắng bằng cơm gạo lứt và chỉ cần ăn với muối vừng là đủ; Nhịn ăn chữa bệnh có tác dụng tốt hơn bất cứ phương pháp chữa bệnh nào khác…
Có thể nói: Bất kỳ bệnh gì cũng đều là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của lối ăn ở sai lầm cộng với tinh thần tiêu cực mà ra. Chữa khỏi các bệnh, kể cả bệnh nan y cũng như ung thư… chẳng khó. Cái khó là người bệnh có đủ lòng tin và bản lĩnh, quyết tâm thực hiện theo đúng sự hướng dẫn đúng đắn, chân chính hay không.
Cuốn sách “Minh triết trong ăn uống của phương Đông” trình bày cho chúng ta phương thức sống lành mạnh khởi đầu từ thói quen ăn uống không phải dễ dàng áp dụng cho số đông. Cuốn sách được Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Y học trong Tủ sách Nền tảng đổi đời. Độc giả có thể dễ dàng tìm đọc và chọn mua sách tại các không gian Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-Coffee trên toàn quốc hoặc tại App Trung Nguyên Legend Café.