Tầm soát ung thư đang dần trở nên phổ biến với những người bước vào độ tuổi tuổi trung niên. Ngoài khám tổng quát hằng năm, nhiều khách hàng đăng ký thêm sàng lọc ung thư và thực hiện việc này đều đặn theo định kỳ. Có nhiều bệnh ung thư khác nhau như: ung thư vú, phổi, gan mật, tuyến tiền liệt… Vậy độ tuổi phù hợp để tầm soát các bệnh ung thư này là khi nào?
Thế nào là tầm soát, sàng lọc sức khỏe?
Đây là xét nghiệm tìm kiếm các dấu hiệu sớm của ung thư ở những người không có triệu chứng. Quy trình này giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu để việc điều trị có nhiều khả năng thành công hơn.
Lợi ích khi thường xuyên sàng lọc sức khỏe
Ưu điểm của tầm soát các bệnh ung thư
Lợi ích của việc sàng lọc là cứu sống con người khỏi bệnh ung thư. Tầm soát có thể phát hiện mầm mống ở giai đoạn đầu. Nếu ung thư được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ có hiệu quả hơn, khả năng sống sót cao hơn.
Ví dụ một người có khả năng bị ung thư cổ tử cung thì việc sàng lọc mầm mống có thể phát hiện những thay đổi bất thường trước khi chúng chuyển biến thành ung thư. Điều trị sớm có thể ngăn ngừa mầm mống ung thư phát triển ngay từ đầu.
Lưu ý khi đi tầm soát ung thư
Việc tầm soát sức khỏe có thể cho kết quả dương tính giả, nghĩa là phát hiện những hình ảnh giống ung thư nhưng không phải ung thư, dẫn đến tâm lý lo lắng. Khi có kết quả dương tính, bạn sẽ được làm thêm các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh khác để chắc chắn đó có phải dương tính giả hay không.
Độ tuổi nên tầm soát các loại ung thư
Dưới đây là khuyến nghị của Hiệp hội Ung thư Mỹ về độ tuổi nên tầm soát một số loại ung thư phổ biến:
Nam giới: Bắt đầu sàng lọc ung thư từ 45 tuổi trở lên
Ung thư đại trực tràng: Sàng lọc trong khoảng 45 tới 75 tuổi. Đối với những người từ 76 đến 85 tuổi, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn. Những người trên 85 tuổi không cần sàng lọc nữa.
Ung thư phổi: Chụp cắt lớp vi tính liều thấp cho những người từ 50 đến 80 tuổi đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong 15 năm qua, hút ít nhất 20 gói một năm.
Ung thư tuyến tiền liệt: Khám sàng lọc cho người trên 45 tuổi có cha hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt. Từ 50 tuổi, tất cả nam giới nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sàng lọc.
Nữ giới: Bắt đầu sàng lọc ung thư từ 25 tuổi
Ung thư cổ tử cung: Từ 25 tới 65 tuổi, xét nghiệm HPV 5 năm một lần. Những người đã được chủng ngừa HPV vẫn nên tuân theo các khuyến nghị sàng lọc dành cho lứa tuổi của mình. Một số cá nhân có các vấn đề sức khoẻ như nhiễm HIV, ghép tạng có thể cần một lịch trình sàng lọc khác.
Ung thư vú: Từ 40 đến 54 tuổi nên chụp nhũ ảnh hằng năm. Từ 55 tuổi trở lên chụp nhũ ảnh 2 năm một lần. Một số trường hợp có nguy cơ (tiền sử gia đình, khuynh hướng di truyền) có thể sàng lọc bằng MRI.
Ung thư tuyến giáp: Trên 25 tuổi cần đi tầm soát, đặc biệt những người có chế độ ăn uống thiếu i-ốt, phơi nhiễm chất phóng xa, chất độc hóa học mức độ cao, gia đình có tiền sử bệnh hoặc các biểu hiện bệnh như hạch ở cổ, khó nuốt…
Ung thư đại trực tràng và ung thư phổi: Tương tự nam giới.
Khuyến cáo giảm nguy cơ mắc ung thư
– Tránh xa mọi dạng thuốc lá
– Đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh
– Vận động thể chất thường xuyên
– Ăn uống lành mạnh với nhiều rau quả
– Không uống quá 1 ly rượu/ngày đối với phụ nữ hoặc 2 ly với nam giới
– Bảo vệ làn da của bạn
– Tìm hiểu tiền sử sức khỏe gia đình
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm sàng lọc ung thư.