Cách chọn mặt nạ dưỡng da

Cách chọn mặt nạ dưỡng da

Mặt nạ giấy và kem phù hợp với nhiều loại da, trong khi mặt nạ đất sét và than hoạt tính có hiệu quả với người da dầu, mụn.

ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đắp mặt nạ là một trong những cách chăm sóc da phổ biến nhất hiện nay. Khi sử dụng đúng cách, mặt nạ phát huy tối đa công dụng, cải thiện làn da đáng kể. Hiện, có rất nhiều mặt nạ dưỡng da dành cho nam và nữ, mỗi loại phù hợp với loại da tương ứng.

Mặt nạ giấy:

Thường được làm từ giấy, vải cotton mỏng hoặc sợi xenlulo tẩm serum hoặc tinh chất ampoule (tinh chất cô đặc giúp cung cấp nhiều dưỡng chất cho da với khả năng thẩm thấu cao). Mặt nạ giấy thích ứng hầu hết loại da. Quan trọng là người sử dụng phải chọn nhãn hiệu uy tín.

Mặt nạ đất sét và bùn:

Rất được ưa chuộng và dễ nhận biết bởi màu sắc và độ sệt đặc trưng. Loại này có tác dụng thanh lọc cho da, hút dầu và bụi bẩn từ lỗ chân lông, làm sạch sâu phù hợp nhất với người bị mụn trứng cá, da dầu, da hỗn hợp hoặc xỉn màu.

Mặt nạ than hoạt tính:

Bác sĩ Thư cho biết than hoạt tính từ lâu được sử dụng trong lĩnh vực y tế để thanh lọc các chất độc hại hoặc chất gây nghiện ra khỏi cơ thể của người bệnh. Riêng lĩnh vực da liễu, mặt nạ than hoạt tính có khả năng hút dầu và bụi bẩn, loại bỏ bụi bẩn và giúp điều trị mụn. Loại này rất tốt cho da bị mụn trứng cá, da dầu và da hỗn hợp.

Mặt nạ dạng kem hoặc gel:

Cung cấp độ ẩm cho làn da khô, có thể sử dụng hàng đêm như mặt nạ ngủ, thích hợp cho mọi loại da, nhất là da khô, da tổn thương do ánh nắng mặt trời và nhạy cảm.

Mặt nạ lột và tẩy da chết:

Thường được bôi dưới dạng gel khô lên da với liều lượng nhất định, sau đó đợi một khoảng một thời gian lột ra kéo theo bụi bẩn, dầu và các tạp chất khác khỏi các lỗ chân lông. Tuy nhiên, bác sĩ Thư lưu ý một số loại mặt nạ tẩy tế bào chết với thành phần chứa AHA, BHA có thể gây kích ứng da nhạy cảm. Người sử dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ da.

Mặt nạ tự làm:

Tận dụng nguyên liệu sẵn có như trứng, yến mạch, mật ong, sữa chua… để dưỡng da. Trước khi đắp mặt nạ tự làm, nên tìm hiểu kỹ những thành phần nào phù hợp, tránh tình trạng viêm nhiễm, kích ứng da gây đỏ, đau rát.

Trước khi đắp mặt nạ, nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt phù hợp, giúp da tăng hấp thụ các hoạt chất. Sau khi đắp mặt nạ, dùng kem dưỡng ẩm để mặt nạ phát huy tối đa công dụng. Không nên thực hiện quá 20 phút mỗi lần, ngoại trừ loại dùng cho ban đêm.

Bác sĩ Thư cho biết thêm tùy vào loại mặt nạ mà người sử dụng có tần suất đắp phù hợp, nên đến bệnh viện có khoa Da liễu – Thẩm mỹ da để bác sĩ đánh giá tình trạng và soi da. Từ đó, bác sĩ tư vấn loại mặt nạ và liệu trình phù hợp để mang lại kết quả tốt nhất cho người sử dụng.

Chăm sóc Daカテゴリの最新記事