Một số hóa chất công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, bức xạ môi trường có thể làm đột biến gene dẫn đến phát triển tế bào ác tính.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, chất gây ung thư trực tiếp làm hỏng DNA và gây ra những thay đổi gọi là đột biến. Điều này dẫn đến gián đoạn trong quá trình tăng trưởng và phân chia tế bào bình thường, phát triển tế bào ung thư.
Đôi khi, chất ung thư gây tổn thương và viêm nhiễm, khiến tế bào phân chia nhanh hơn làm tăng khả năng xảy ra đột biến. Phơi nhiễm chất gây ung thư có thể dẫn đến ung thư phát triển. Khả năng gây ung thư của một chất phụ thuộc vào các yếu tố như số lượng, thời gian tiếp xúc, sức khỏe cá nhân…
Ví dụ, xu hướng phát triển bệnh ung thư được di truyền như một phần của bộ gene. Trong những điều kiện và mức độ phơi nhiễm nhất định, một người mang gene làm tăng nguy cơ ung thư có khả năng mắc bệnh cao hơn bình thường.
Ung thư thường được gây ra bởi sự tích tụ các đột biến chứ thường không phải là sự thay đổi đơn lẻ và nhiều yếu tố phối hợp với nhau để làm tăng hoặc giảm nguy cơ phát triển khối u ác tính. Vì khi DNA tổn thương, cơ thể tạo ra các protein để sửa chữa DNA hư hỏng hoặc loại bỏ chúng trước khi tiến triển thành tế bào ung thư.
Chất gây ung thư gồm virus, thuốc, các chất ô nhiễm và hóa chất tồn tại ở các dạng khác nhau như trong không khí, sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng…
Hóa chất: Formaldehyde là chất gây ung thư được sử dụng trong vật liệu xây dựng, đồ nội thất và sản phẩm gia dụng. Chất này thường có trong các sản phẩm gỗ composite thải ra khí như ván ép gỗ cứng, ván dăm, ván sợi. Formaldehyde cũng là sản phẩm phụ của thuốc lá đang cháy.
Người dùng nên mua các sản phẩm gỗ composite được chứng nhận giảm khí thải để giảm mức độ tiếp xúc với formaldehyde. Sử dụng điều hòa không khí và máy hút ẩm, cải thiện hệ thống thông gió trong không gian sống (mở cửa sổ, sử dụng quạt) để giảm tiếp xúc hóa chất này.
Vật liệu cách nhiệt có kết cấu hoặc gạch lát sàn có thể chứa amiăng. Nếu các sản phẩm có chứa amiăng bị xáo trộn, các sợi amiăng nhỏ được thải vào không khí. Phơi nhiễm amiăng có thể dẫn đến ung thư phổi.
Ô nhiễm: Các chất ô nhiễm phổ biến từ các nhà máy công nghiệp hoặc điện, khí thải động cơ, khói lửa, vật liệu xây dựng, chất chống cháy, khói sơn, sản phẩm tẩy rửa và bụi đều có khả năng gây ung thư phổi.
Bức xạ môi trường: Tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời là nguyên nhân phổ biến gây ung thư da. Đội mũ và mặc quần áo bảo hộ, sử dụng kem chống nắng phổ rộng SPF 30 trở lên khi ra ngoài để bảo vệ da khỏi tia UV.
Bức xạ y tế: Phơi nhiễm bức xạ có thể làm tăng nguy cơ ung thư đôi khi xảy ra khi chụp cắt lớp vi tính (CT) và xạ trị. Ví dụ, phụ nữ được xạ trị sau phẫu thuật cắt bỏ khối u vú ác tính có nguy cơ ung thư phổi cao hơn do bức xạ được đưa đến vùng ngực. Tuy nhiên những rủi ro này rất nhỏ so với việc cần chẩn đoán và điều trị bệnh.
Virus: Một số virus có thể ảnh hưởng đến cấu trúc di truyền của các tế bào khỏe mạnh và có nhiều khả năng khiến tế bào này biến thành ung thư. Chẳng hạn virus u nhú ở người (HPV) có thể gây ung thư cổ tử cung. Virus viêm gan B và C có thể dẫn đến ung thư gan. Tiêm vaccine HPV và viêm gan B làm giảm nguy cơ nhiễm các loại virus này và mắc bệnh ung thư liên quan.
Thuốc: Một số thuốc hóa trị được sử dụng cho bệnh ung thư vú giai đoạn đầu đôi khi dẫn đến bệnh bạch cầu. Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư cổ tử cung nhưng chúng cũng làm giảm khả năng ung thư nội mạc tử cung, buồng trứng, đại trực tràng.
Yếu tố lối sống: Các chất gây ung thư liên quan đến lối sống gồm hút thuốc (kể cả tiếp xúc khói thuốc thụ động), uống rượu, béo phì, chế độ ăn uống quá nhiều thịt chế biến sẵn, thiếu hoạt động thể chất.
Có một số bằng chứng cho thấy nấu thịt ở nhiệt độ cao như nướng hoặc chiên có thể tạo ra các hợp chất gây ung thư. Nấu thịt trong thời gian dài hơn ở nhiệt độ thấp và loại bỏ phần nướng cháy đen trước khi ăn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.