Vùng da mỏng ở mí mắt, cổ, khuỷu tay dễ xuất hiện dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, đốm đồi mồi, cần chăm sóc mỗi ngày.
Tuổi tác càng cao làm làn da mỏng đi và kém đàn hồi. Kết quả là các nếp nhăn, đốm đồi mồi và các vết thâm trên da nhiều hơn. Dưới đây là các vùng trên cơ thể dễ xuất hiện dấu hiệu lão hóa.
Mí mắt
Càng lớn tuổi, mí mắt căng ra, các cơ nâng đỡ chúng yếu đi, có thể dẫn đến thừa chất béo ở trên hoặc dưới mí mắt và tạo ra bọng mắt. Ngoài phẫu thuật, mỡ thừa ở mắt hoặc nếp nhăn có thể cải thiện bằng cách uống nhiều nước, ngủ đủ giấc và ăn ít muối hơn.
Cổ
Da cổ là một trong những bộ phận đầu tiên trên cơ thể có dấu hiệu lão hóa vì nó mỏng manh. Thường xuyên thoa kem chống nắng và dưỡng ẩm mỗi ngày, hạn chế cúi đầu khi ngồi, tránh căng thẳng giúp giảm nếp nhăn.
Ngực
Mô ngực nhạy cảm với ảnh hưởng của lão hóa. Tình trạng này xuất hiện do thay đổi kích thước ngực khi phụ nữ giảm cân, tăng cân và mang thai. Nguyên nhân khác là tiếp xúc với tia cực tím ở người hay mặc áo cổ chữ V hoặc khoét sâu, khiến cổ nhanh chóng lão hóa và mất đi độ săn chắc. Mỗi người nên thoa kem chống nắng khi mặc áo hở ngực và chăm sóc da chống lão hóa.
Bàn tay
Bàn tay thường già hơn ở độ tuổi 20 nhưng hầu hết mọi người không nhận ra cho đến khi ở độ tuổi 30 hoặc 40. Nguyên nhân do bàn tay là vùng da tiếp xúc với nhiều yếu tố như nước, ánh nắng mặt trời. Những tác nhân này khiến da mất đi độ ẩm, lượng dầu tự nhiên, xuất hiện vết đen và nếp nhăn sớm.
Mỗi người nên thoa kem chống nắng lên mu bàn tay và thoa kem dưỡng da tay ít nhất một lần mỗi ngày.
Khuỷu tay
Khuỷu tay lão hóa nhanh có thể do ánh nắng mặt trời, căng thẳng, hút thuốc, uống không đủ nước, mất tuyến mồ hôi và tuyến dầu. Vì khuỷu tay chủ yếu là xương nên không có nhiều cơ hoặc mỡ để làm đầy khu vực này, khiến da chảy xệ.
Tẩy tế bào chết một tuần hai lần ở khuỷu tay giúp vùng da này giảm lão hóa. Dùng thêm kem dưỡng làm dịu da và giữ ẩm.
Da đầu
Tóc bắt đầu bạc từ tuổi 30 do các tế bào hắc tố hoạt động chậm lại và sản sinh ra ít melanin (sắc tố tạo ra màu tóc) hơn hoặc xuất phát từ gene, môi trường tiếp xúc hóa chất, stress, ăn uống không điều độ… Ăn thực phẩm giàu vitamin D3, B12, sắt và đồng như rau lá xanh, cá hồi, chocolate đen có thể bảo vệ nang tóc và giảm tốc độ bạc tóc.