Bạn có bao giờ nghe về ung thư tế bào hắc tố da? Bạn có bao giờ tự hỏi liệu mình đang bị ung thư tế bào hắc tố nhưng không nhận ra và lầm tưởng đó là nám?
Nám da và ung thư tế bào hắc tố là gì?
Nám da
Theo một số nghiên cứu, nám da là tình trạng xuất hiện khi melanin được sản sinh nhằm bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Những người có da sậm màu thường sẽ sản sinh nhiều melanin hơn những người có làn da sáng màu.
Khi quá trình sản sinh melanin bị mất cân bằng, những triệu chứng của nám da sẽ xuất hiện. Ngoài ra, ánh mặt trời, sự thay đổi hormone, di truyền, sự thiếu hụt vitamin D ở da, liệu pháp thay thế hormone, stress, phản ứng dị ứng của da với thuốc hoặc mỹ phẩm,… cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng nám cho da.
Nám da là một bệnh lí rất phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ châu Á, phụ nữ đang trong thời kì mang thai hay phụ nữ sau sinh.
Ung thư tế bào hắc tố
Ung thư tế bào hắc tố chính là bệnh ung thư da. Bệnh này có nguy cơ lây truyền sang nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, gây nên những bệnh lí nghiêm trọng khác và có thể dẫn đến tử vong.
Cụ thể, các tế bào ung thư gây ra bởi những hư tổn ADN không thể sửa chữa, từ đó khiến làn da của chúng ta bị hủy hoại. Nguyên nhân thông thường là do các tia UV có trong ánh nắng mặt trời và giường nhuộm da gây đột biến lên các tế bào, khiến các tế bào nhân lên nhanh chóng và tạo thành khối u ác tính.
Khối u này có nguồn gốc từ quá trình sản sinh hắc tố ở lớp đáy của da. Bạn sẽ có nguy cơ cao bị mắc ung thư tế bào hắc tố nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với tia UV hay gia đình bạn có gen di truyền bệnh này.
Làm sao để nhận diện nám da và ung thư tế bào hắc tố?
Dấu hiện nám da
Khi da bạn không còn trắng mà dần xuất hiện các đốm màu nâu hay xám ở vùng má, mũi, trán và cằm thì đó chắc chắn là nám da.
Dấu hiệu ung thư tế bào hắc tố
Biểu hiện của ung thư tế bào hắc tố thường trông giống như nốt ruồi, đôi khi bệnh này cũng có nguồn gốc từ các nốt ruồi. Thông thường, các đốm xuất hiện trên mặt khi bạn bị ung thư tế bào hắc tố sẽ có màu đen hoặc nâu nhưng đôi khi cũng có màu trùng với màu da, màu hồng, đỏ, tím, xanh dương hay trắng.
Tuy nhiên, vẫn có vài dấu hiệu giúp chúng ta nhận biết bệnh này. Khi bị nốt ruồi của bạn biến đổi, bạn nên lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư tế bào hắc tố. Nhưng không phải sự biến đổi nào cũng dẫn đến ung thư.
Đôi khi, nốt ruồi của bạn sẽ ngày càng to ra nhưng nó vẫn chỉ là nốt ruồi mà thôi. Nếu ban đầu nốt ruồi của bạn phẳng và tối màu, sau đó dần to lên rồi lại xẹp đi và sáng màu hơn qua năm tháng thì đó cũng là điều bình thường.
Tuy nhiên, nếu bạn đang nhận thấy những dâu hiệu sau đây xảy ra trên da bạn, bạn cần phải đến gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt:
- Không đối xứng: Hai nửa nốt ruồi khác màu nhau;
- Đường viền quanh nốt ruồi không đều: Nốt ruồi hay đốm thâm xuất hiện trên mặt bạn có đường viền xung quanh không được mịn màng, không đồng đều hoặc có hình chữ V;
- Màu: Nốt ruồi của bạn có nhiều màu trên nhiều phần khác nhau và có màu khác với những nốt ruồi khác của bạn;
- Đường kính: Nốt ruồi hay đốm thâm có đường kính lớn hơn so với đường kính của một cục tẩy bút chì (6 mm);
- Phát triển bất thường: Nốt ruồi của bạn liên tục biến đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc hay kết cấu tổng thể, thậm chí bị chảy máu.]
Điều trị nám da
Đối với nám, hiện nay chúng ta vẫn chưa có phương pháp điều trị vì tình trạng này sẽ thường xuyên tái phát trong một vài trường hợp.
Tuy nhiên, vẫn có những phương pháp chung giúp xóa mờ vết nám nhưng bạn sẽ phải rất kiên nhẫn vì những phương pháp này thường mất rất nhiều thời gian mới mang lại kết quả.
- Ngưng uống thuốc tránh thai nôij tiết;
- Sử dụng kem chống nắng với SPF 30+ trở lên khi ra đường và thoa lại sau mỗi 2 giờ. Ngoài ra, bạn cũng nên đội mũ rộng vành, mặc áo dài tay để bảo vệ da tốt hơn;
- Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ; nếu da bị khô, bạn hãy dùng thêm kem dưỡng ẩm
- Bạn không nên trang điểm quá nhiều vì trang điểm không thể giúp bạn che đậy vết nám;
- Sử dụng các loại mặt nạ làm từ thiên nhiên để chữa nám.
Ngoài ra, những phương pháp như dùng kem thoa tại chỗ hay liệu pháp laser cũng rất phổ biến trong điều trị nám da. Hơn nữa, những phương pháp này nhanh cho kết quả.
Điều trị ung thư tế bào hắc tố
Nếu bạn bị chẩn đoán đang mắc khối u ác tính, hãy điều trị càng sớm càng tốt. Thông thường, bạn có thể chữa khỏi bằng những tiểu phẫu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khối u cũng có thể đã phát triển và di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể. Dù rằng ung thư tế bào hắc tố không phải là loại ung thư da phổ biến nhất nhưng đây là loại khiến nhiều người tử vong nhất trên thế giới.
Tuy nám da và ung thư tế bào hắc tố có những biểu hiện, triệu chứng khá tương đồng nhưng bạn luôn cần phải quan tâm và chú ý đến sức khỏe của mình để nhận ra bạn đang mắc phải bệnh lí nào. Bạn cũng đừng ngại đến gặp bác sĩ để chắc chắn về tình trạng sức khỏe của mình bạn nhé.