Dấu hiệu cảnh báo thoát vị đĩa đệm lưng

Dấu hiệu cảnh báo thoát vị đĩa đệm lưng

Đau lưng, đau lan xuống chân, yếu chân có thể do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, người bệnh nên theo dõi triệu chứng và đến bác sĩ khám.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ngày càng phổ biến, thường gặp ở những người phải mang vác nặng, ngồi nhiều; sinh hoạt sai tư thế, té ngã, chấn thương…

ThS.BS Vũ Đức Thắng, khoa Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết cơn đau do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể xảy ra đột ngột, nhưng thông thường là kết quả của một quá trình, diễn ra trong thời gian dài. Nhân đĩa đệm bị thoát ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép hoặc làm viêm dây thần kinh gần đó, gây đau lan tỏa dọc theo chiều dài của dây thần kinh. Người bệnh thường có các triệu chứng dưới đây.

Đau lưng: Đau xuất hiện đột ngột dữ dội hoặc âm ỉ, đau buốt từng cơn ở vùng thắt lưng, lưng dưới gần mông. Cơn đau có thể nghiêm trọng hơn khi vận động mạnh, ho, hắt hơi, đứng hoặc ngồi lâu.

Vị trí đau không cố định: Tùy vị trí và mức độ thoát vị mà người bệnh có thể đau ở mặt trước hoặc mặt sau của đùi, bắp chân, bàn chân và/hoặc ngón chân. Thông thường, đau chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể.

Đau thần kinh tọa: Đây là tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh nằm ở mặt sau của chân. Cơn đau buốt, đau nhói như có điện chạy dọc từ mông xuống mặt sau của chân.

Các triệu chứng thần kinh: Người bị thoát vị đĩa đệm lưng có thể bị tê bì chân, cảm giác nhói như kim châm, yếu và/hoặc ngứa ran ở chân, bàn chân, ngón chân; khó nhấc chân khi đi bộ hoặc đứng trên một bàn chân.

Đại, tiểu tiện không tự chủ: Triệu chứng này thường chỉ xảy ra khi bệnh tiến triển nặng, chèn ép dây thần kinh cột sống, dẫn đến hội chứng chùm đuôi ngựa.

Theo bác sĩ Thắng, tùy vào mức độ nghiệm trọng mà thoát vị đĩa đệm lưng được chia làm 4 cấp độ. Ở cấp độ một, người bệnh đã xuất hiện tình trạng phình và lồi đĩa đệm nhưng các lớp bao xơ bao bọc bên ngoài vẫn chưa bị nứt rách, triệu chứng chưa rõ ràng. Người bệnh dễ nhầm thoát vị đĩa đệm lưng với các bệnh lý khác nên chủ quan hoặc chữa trị không đúng cách.

Đến cấp độ hai, bắt đầu có dấu hiệu suy yếu và chèn ép dây thần kinh, đau vùng thắt lưng trở nên rõ ràng hơn. Cấp độ ba là lúc đĩa đệm thoát vị, người bệnh đau nhức dữ dội, nhất là ở khu vực cột sống tổn thương.

Cấp độ 4 là giai đoạn bệnh nặng nhất, người bệnh thường rất đau đớn và có biểu hiện yếu liệt một hoặc hai chân. Các cấp độ của thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể không diễn ra theo từng giai đoạn, mà tiến triển đột biến, nhất là khi người bệnh bị tác động bởi một yếu tố nào đó từ bên ngoài. Người bệnh nên lưu ý dấu hiệu bất thường để kịp thời đến bác sĩ khám.

Trường hợp nhẹ có thể kiểm soát cơn đau bằng cách phối hợp các phương pháp điều trị nội khoa như chườm nóng hoặc chườm lạnh, nghỉ ngơi nhiều, vận động nhẹ nhàng; dùng thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau; vật lý trị liệu, massage, tiêm thuốc steroid ngoài màng cứng…

Nếu cơn đau và các triệu chứng khác của bệnh vẫn còn sau 6 tuần điều trị nội khoa hoặc gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật.

News- Tin tứcカテゴリの最新記事