Xơ vữa động mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Xơ vữa động mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa động mạch xảy ra khi các động mạch bị tắc nghẽn bởi các mảng bám (được hình thành từ các chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác) tích tụ trong thành động mạch.

Động mạch là những mạch máu đưa máu từ tim đi khắp cơ thể; được lót bằng một lớp tế bào mỏng gọi là nội mô, cho phép máu lưu thông dễ dàng qua các động mạch. Khi lớp nội mạc bị tổn thương do các yếu tố nguy cơ (như người bệnh có hút thuốc hoặc có lượng chất béo, cholesterol trong máu cao, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường…) đã tạo điều kiện cho các mảng bám tích tụ trong thành động mạch.

Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch

  1. Tăng huyết áp: Thuốc hạ huyết áp có thể được kê đơn để giúp kiểm soát tăng huyết áp cũng như cần phải thay đổi chế độ ăn uống (như giảm lượng muối ăn vào…). Việc điều trị và kiểm soát huyết áp tốt sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ và tai biến mạch máu não.
  2. Rối loạn mỡ máu: Mức độ cao của cholesterol “xấu” (LDL cholesterol) có thể được kiểm soát thông qua thuốc hạ mỡ máu và thay đổi chế độ ăn uống. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc hạ cholesterol, giảm cholesterol xấu (LDL-c), tăng cholesterol tốt (HDL-c) sẽ mang lại lợi ích trong phòng ngừa bệnh mạch vành.
  3. Béo phì: Có thể làm tăng nguy cơ mắc các yếu tố khác như tăng huyết áp và cholesterol cao, cũng có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch và các bệnh khác.
  4. Bệnh đái tháo đường hoặc kháng insulin: Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp đôi. Kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có thể giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.
  5. Ít vận động thể lực: Điều này góp phần làm tăng cân và tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, tăng cholesterol xấu, gây bệnh xơ vữa động mạch.
  6. Chế độ dinh dưỡng kém: Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, cũng như muối, đường có thể góp phần tăng cân, gây béo phì tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
  7. Căng thẳng: Có thể làm giảm đường kính của mạch máu, gây tăng huyết áp. Căng thẳng mạn tính cũng liên quan đến bệnh tim mạch.

Phương pháp chẩn đoán

  • Chụp mạch vành: Là thủ thuật sử dụng các ống thông chuyên dụng để bơm thuốc cản quang vào trong lòng động mạch vành, qua đó hiển thị hình ảnh của hệ động mạch vành trên màn hình tăng sáng. Các hình ảnh này giúp bác sĩ đánh giá những tổn thương của hệ động mạch vành như hẹp, tắc, bóc tách, huyết khối… Phương pháp này được đánh giá là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành.
  • Siêu âm Doppler: Phương pháp này nhằm đánh giá lưu lượng máu, xác định tình trạng thu hẹp của các mạch máu ở bụng, cổ hoặc chân.
  • Đo vận tốc sóng mạch: Đây là phương pháp so sánh các phép đo huyết áp ở cổ chân và ở cánh tay giúp xác định bất kỳ sự co thắt nào trong lưu lượng máu. Sự khác biệt đáng kể có nghĩa là các mạch máu bị thu hẹp do xơ vữa động mạch.
  • Ghi hình tưới máu cơ tim: Phương pháp được tiến hành ghi hình ở trạng thái nghỉ và trạng thái gắng sức, nhằm phát hiện, đánh giá, tiên lượng tình trạng tưới máu cơ tim, một số bệnh cơ tim (cardiomyopathy) như phì đại cơ tim, dãn cơ tim.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): là một kỹ thuật sử dụng tia X-quang, quét theo chiều cắt ngang qua tim, có thể xem liệu có vôi hóa mạch vành hay không, có thể gợi ý vấn đề tim mạch trong tương lai.

Điều trị xơ vữa động mạch

1. Thay đổi lối sống

Sống lành mạnh là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngăn sự tích tụ mảng bám gây xơ vữa động mạch. Các bước để có một lối sống lành mạnh bao gồm:

  • Chọn thực phẩm tốt cho tim mạch: chẳng hạn như kế hoạch ăn uống DASH (phương pháp tiếp cận chế độ ăn uống để ngừng tăng huyết áp). Một kế hoạch ăn uống lành mạnh cho tim bao gồm ưu tiên trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế chất béo bão hòa, muối, đường.
  • Hoạt động thể chất thường xuyên: Giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ như cholesterol trong máu cao, tăng huyết áp, thừa cân và béo phì. Người trưởng thành nên tham gia tổng cộng 150 phút trở lên mỗi tuần đối với những hoạt động thể chất vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần đối với những hoạt động thể chất mạnh mẽ. Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào, hãy hỏi bác sĩ mức độ hoạt động thể chất phù hợp với bản thân.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Kiểm soát cân nặng có thể giúp người bệnh kiểm soát một số yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch vành, chẳng hạn như cholesterol trong máu cao, bệnh đái tháo đường, huyết áp cao.
  • Hạn chế uống rượu bia: Nam giới không nên uống quá 2 ly rượu/ngày; phụ nữ không nên uống quá 1 ly/ngày.
  • Kiểm soát căng thẳng: Học cách kiểm soát căng thẳng, tập thư giãn, cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất.
  • Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Người tiếp xúc với môi trường khói thuốc hoặc hút thuốc thụ động cũng tăng nguy cơ tứ 20-30%. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy nicotine và hương liệu được tìm thấy trong các sản phẩm thuốc lá điện tử cũng có thể gây hại cho tim, phổi.
  • Ngủ đủ giấc: Người trưởng thành nên ngủ đủ 7-9 tiếng/ngày, ngủ sâu giấc giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.

2. Dùng thuốc

  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu nhằm giảm khả năng kết dính của các tiểu cầu trong máu với nhau, gây ra cục máu đông.
  • Thuốc chống đông máu để giảm khả năng đông máu, làm loãng máu.
  • Thuốc giảm cholesterol để làm giảm chất béo (lipid) trong máu, đặc biệt là cholesterol lipid tỷ trọng thấp (LDL).
  • Thuốc hạ huyết áp: Một số nhóm thuốc hoạt động theo những cách khác nhau để giảm huyết áp.

3. Nong mạch vành

Nong mạch vành là một thủ thuật được sử dụng để khôi phục lưu lượng máu của động mạch vành bị tắc nghẽn hoặc hẹp do xơ vữa.

Bản chất của nong động mạch vành là một thủ thuật can thiệp qua da, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp. Bác sĩ sẽ tiếp cận vào hệ thống động mạch vành thông qua động mạch quay ở cổ tay hay động mạch đùi dưới nếp bẹn.

Một ống thông dẫn đường sẽ đi trước và đi vào lỗ động mạch vành trái và phải. Một lượng thuốc cản quang sẽ được bơm vào ống thông giúp bác sĩ có thể dễ dàng quan sát thấy đoạn động mạch bị tắc hẹp. Nếu tình trạng tắc hẹp khu trú và chỉ xảy ra ở đoạn gần, bác sĩ sẽ đưa bóng vào tại vị trí đoạn động mạch bị hẹp, sau đó bơm hơi với mức áp lực phù hợp.

Sau khi bóng căng lên, mảng xơ vữa sẽ bị ép sát vào thành mạch. Lúc này, bác sĩ sẽ đưa stent vào và bung ra tại vị trí này. Bản chất của stent là một giá đỡ bằng kim loại, giúp duy trì khả năng tái lưu thông của dòng máu vừa được giải phóng lâu dài.

4. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) là phương pháp mổ bắc cầu trên những động mạch vành bị hẹp nặng hoặc tắc nhưng không phù hợp đặt stent. Bác sĩ sẽ sử dụng một đoạn ống ghép bằng tĩnh mạch hoặc động mạch làm “cầu nối” đến phía sau đoạn động mạch vành bị hẹp. Có thể dùng đoạn tĩnh mạch hiển ở chân, động mạch quay hay động mạch vú trong bên trong thành ngực để làm đoạn mạch ghép.

News- Tin tứcカテゴリの最新記事