Khoảng 45-60% người mắc bệnh Alzheimer liên quan đến gene, song chỉ 1% người mang gene di truyền được chẩn đoán mắc bệnh này, theo Hiệp hội Alzheimer Mỹ.
Bệnh Alzheimer thường xảy ra ở người từ 70 tuổi trở lên. Theo Hiệp hội Alzheimer Mỹ, có một số gene làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer gồm gene nguy cơ APOE-2, APOE-3, APOE-4 và gene trực tiếp gây ra bệnh (gene xác định) APP, PS1, PS2.
Trong đó, 40-65% người được chẩn đoán bệnh Alzheimer có gene APOE-4. Đây là gene có nguy cơ cao nhất liên quan đến bệnh này. Các gene xác định chỉ chiếm 1% trong tất cả trường hợp và gây ra các dạng khởi phát sớm do di truyền. Các triệu chứng thường phát triển trong khoảng đầu những năm 40 tuổi đến giữa những năm 50 tuổi.
Bệnh Alzheimer phát triển khi các protein tích tụ trong não tạo thành các cấu trúc gọi là mảng bám và mảng rối. Điều này khiến các tế bào não chết đi và làm hỏng các chức năng do não kiểm soát.
Bộ não có hàng tỷ tế bào thần kinh giao tiếp với nhau thông qua các điện tích chạy dọc các sợi trục từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác, cho phép chúng giao tiếp và thực hiện các chức năng. Bên trong tế bào thần kinh có một loại protein tau hỗ trợ các vi ống cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào.
Khi protein tau bất thường tích tụ trong tế bào thần kinh, các vi ống bị rối. Điều này ngăn cản chất dinh dưỡng và các nguồn cung cấp thiết yếu khác di chuyển qua tế bào và tế bào sẽ chết. Ngoài ra, các mảng bám hình thành xung quanh tế bào thần kinh khi các mảnh protein gọi là beta-amyloid kết tụ lại với nhau.
Ngoài ra, còn có những yếu tố khác tác động đến cơ thể dẫn đến bệnh Alzheimer. Đó là hệ thống mạch máu không cung cấp đủ máu và chất dinh dưỡng cho não hoặc não thiếu lượng glucose cần thiết để cung cấp đủ năng lượng cho não hoạt động. Tình trạng viêm mạn tính xảy ra khi các mảnh vụn xung quanh tế bào thần kinh không được làm sạch đúng cách, các tế bào thần kinh không thể giao tiếp và chết khiến não bắt đầu co lại cũng làm một số người mắc bệnh Alzheimer.
Để não khỏe mạnh, phòng bệnh Alzheimer, mọi người nên kiểm soát huyết áp và cholesterol cao, tiểu đường. Đây là những yếu tố nguy cơ mạch máu dẫn đến các loại bệnh mất trí nhớ.
Chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng khỏe mạnh, không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu làm giảm nguy cơ mắc Alzheimer và bệnh liên quan đến trí nhớ khác. Ví dụ, chế độ ăn Địa Trung Hải giàu trái cây, rau quả, protein nạc và axit béo omega 3 có lợi cho trí não và có tác dụng phòng bệnh.
Duy trì hoạt động, giao lưu kết nối xã hội, tham gia hoạt động sử dụng kỹ năng tư duy như đọc sách, chơi trò chơi trí tuệ, thủ công, câu đố, làm việc và tình nguyện cũng tăng cường sức khỏe não bộ.