Trao đổi chất trì trệ là một trong những nguyên nhân khiến bạn khó giảm cân, có xu hướng tích tụ nhiều mỡ ở vùng bụng dù chân, tay vẫn gọn gàng.
Khi có tuổi, quá trình trao đổi chất của cơ thể giảm, khiến bạn “uống nước cũng tăng cân”. Woman TVBS liệt kê các dấu hiệu cho thấy trao đổi chất kém như sau:
1. Tăng cân dễ nhưng khó giảm.
2. Chân, bàn chân và mặt dễ bị sưng tấy.
3. Gặp khó khăn khi đại tiện, hay bị táo bón.
4. Ngủ kém, mất ngủ về đêm, khó thức dậy vào buổi sáng.
5. Chân tay nhỏ nhưng bụng và đùi to, kém săn chắc.
6. Không thích uống nước, thường bị khô miệng, lưỡi.
7. Kinh nguyệt không đều, hay bị đau bụng kinh.
8. Tình trạng da không tốt, xỉn màu, nhờn, dễ nổi mụn.
9. Cơ thể nặng nề, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, suy nhược.
10. Tay chân lạnh, trời nóng nhưng ít đổ mồ hôi.
Bên cạnh việc theo dõi những dấu hiệu kể trên, bạn cũng có thể kiểm tra tốc độ trao đổi chất bằng cách cân trọng lượng cơ thể. Trước khi ngủ, hãy kiểm tra cân nặng, đi ngủ trước 23h, ngủ đủ 8 tiếng. Sáng hôm sau, kiểm tra lại cân nặng trước khi đi vệ sinh, uống nước. Lặp lại khoảng 2-3 ngày liên tục. Nếu cân nặng trước khi ngủ và sau khi thức dậy chênh nhau khoảng 0,4-0,8 kg cho thấy trao đổi chất bình thường. Nếu độ chênh lệch dưới 0,4 kg, cho thấy trao đổi chất chậm, bạn sẽ cần nỗ lực nhiều để đạt mục tiêu giảm cân.
Để tăng cường trao đổi chất, bạn có thể áp dụng những cách sau đây:
1. Tắm và ngâm chân nhiều hơn: Ngâm chân có thể thúc đẩy quá trình lưu thông máu và cải thiện trao đổi chất cơ bản.
2. Ăn sáng mỗi ngày: Một bữa sáng cân bằng dinh dưỡng sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong ngày.
3. Ăn đồ cay vừa phải: Gia vị ấm nóng như ớt, tiêu… có thể tăng cường trao đổi chất và đẩy nhanh quá trình đốt cháy chất béo.
4. Uống cà phê đen: Cà phê đen có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp giảm cân, uống trước khi tập thể dục cũng có thể làm tăng nhịp tim.
5. Ăn chất béo và dầu chất lượng cao: Chất béo và dầu ăn chất lượng cao có thể giúp chuyển hóa chất béo xấu.
6. Tránh chất béo chuyển hóa: Thực phẩm chứa đường tinh luyện hoặc tinh bột tinh chế khiến tiêu hóa, trao đổi chất thêm trì trệ.
7. Ăn protein chất lượng cao: Có lợi cho sự phát triển của cơ bắp, khối lượng cơ bắp tăng lên cũng sẽ làm tăng khả năng trao đổi chất.
8. Ăn thực phẩm giàu kali: Bạn có thể ăn thực phẩm giàu kali giúp cơ thể thoát nước, cải thiện tình trạng sưng tấy, phù nề.
9. Không ngồi trong thời gian dài: Tăng cường các hoạt động hàng ngày như đi bộ và leo cầu thang giúp cơ thể linh hoạt, thúc đẩy trao đổi chất, tăng khả năng tiêu hao calo dư thừa.
10. Ngủ đủ giấc: Đảm bảo ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi ngày vì thức khuya sẽ làm giảm quá trình trao đổi chất.
11. Uống đủ nước: Nên uống tối thiểu hai lít nước mỗi ngày.
12. Uống trà xanh: Trà xanh rất giàu catechin, có thể làm tăng quá trình trao đổi chất 4-5% và tăng tốc độ đốt cháy chất béo 10-17%.