Nghiên cứu về tế bào gốc là một lĩnh vực còn khá mới không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới. Đây được gọi là “phát hiện của thế kỷ” với rất nhiều ứng dụng hiệu quả vào y sinh học và thẩm mỹ…
Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của y sinh học, sinh học tế bào, y học phân tử và tế bào gốc. Nghiên cứu tế bào gốc mang lại tiềm năng to lớn trong điều trị lâm sàng và có thể được sử dụng để thay cho các tế bào bị thiếu hoặc bị tổn thương gây trọng bệnh.
NHỮNG THÔNG TIN MANG TỚI NIỀM VUI
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân hàng đầu gây đau thắt lưng mãn tính, một trong những tình trạng y tế phổ biến nhất trên thế giới, xảy ra khi các đĩa đệm của cột sống bắt đầu mòn đi. Một phương pháp điều trị mới mang đến nhiều hy vọng cho bệnh nhân vừa được phát triển bởi TS. Douglas Beall, Trưởng khoa X-quang, Viện Y tế Oklahoma (Mỹ). Đó là tiêm các tế bào chuyên biệt được gọi là tế bào gốc đồng loại (allograft) vào đĩa đệm bị tổn thương của bệnh nhân.
Trong một thử nghiệm kéo dài 3 năm, các tế bào cấy ghép được tiêm vào các tế bào trong đĩa đệm bị tổn thương. Mức độ đau được đánh giá bằng cách sử dụng thang đo chỉ số khuyết tật Oswestry (ODI). Kết quả cho thấy, 60% bệnh nhân cho biết tình trạng đã cải thiện hơn 50% và 70% bệnh nhân ghi nhận sự thay đổi hơn 20 điểm trong điểm số ODI của họ, chuyển từ tình trạng khuyết tật nghiêm trọng hoặc trung bình sang nhẹ hoặc cải thiện hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những bệnh nhân trẻ tuổi, do tình trạng này có thể ảnh hưởng đến 40% dân số trên 40 tuổi.
Tương tự, một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí của Đại học Tim mạch Mỹ ngày 6/3 vừa qua cho biết, liệu pháp cấy ghép tế bào gốc từ tủy xương có thể giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ ở những bệnh nhân suy tim nặng. Cụ thể, các bác sĩ đã tiêm tế bào tiền thân trung mô từ tủy xương vào tim người. Những tế bào gốc đặc biệt này có đặc tính kháng viêm, cải thiện sức khỏe của bệnh nhân suy tim, bởi tình trạng viêm vốn là đặc điểm nổi bật của bệnh suy tim mạn tính. Sau đó, các nhà nghiên cứu từ Viện Tim mạch Texas và tổ chức khác nhau ở Mỹ, Canada, Australia theo dõi triệu chứng liên quan đến tim của bệnh nhân.
Họ nhận thấy so với nhóm giả dược, các triệu chứng ở người điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc giảm đáng kể. Nghiên cứu kéo dài từ năm 2014 đến năm 2019, gồm 565 tình nguyện viên tham gia, tuổi từ 18 đến 80 đi đến kết luận liệu pháp giúp giảm 58% nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ nói chung. “Tác động lâu dài, trung bình là 30 tháng. Đây là lý do vì sao chúng tôi rất hào hứng. Các tế bào này trực tiếp giải quyết tình trạng viêm”, tiến sĩ Emerson Perin, giám đốc y tế tại Viện Tim mạch Texas, nói.
Thậm chí, một nghiên cứu mới đang bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, những người mắc bệnh đa xơ cứng (MS) có thể hưởng lợi từ một loại cấy ghép tế bào gốc, thậm chí đối với cả những người đang ở giai đoạn nặng hơn của bệnh. Nghiên cứu mới đã đưa đến cái nhìn mới nhất, đó là sử dụng tế bào gốc máu của chính họ, để khởi động lại hệ thống miễn dịch bị lỗi. Những phát hiện này đã bổ sung thêm bằng chứng về triển vọng của phương pháp tiếp cận tế bào gốc trong điều trị cho một số căn bệnh được cho là nghiêm trọng hiện nay.
NHƯNG KHÔNG NÊN “THẦN THÁNH HÓA”
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong y học, điều trị các bệnh lý đã được thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ 20. Hiện, Bộ Y tế cho phép sử dụng tế bào gốc điều trị một số bệnh lý về máu như suy tủy xương, ung thư máu, các bệnh về máu cần ghép tủy xương, thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.
Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược hiện không cấp phép cho các loại sản phẩm, mỹ phẩm được chế xuất từ tế bào cơ thể người. Ngoài ra, tế bào gốc chỉ sử tại các cơ sở y tế được cấp phép.
Tại Hội nghị tế bào gốc lần thứ 11 với chủ đề “Xu hướng phát triển tế bào gốc trong tương lai” diễn ra vào cuối năm ngoái, thạc sĩ – bác sĩ Lê Thị Bích Phượng, Phó chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM cho biết, nếu coi tế bào gốc như một công cụ điều trị thì nếu đúng chỉ định, đúng người bệnh và đúng về cơ chế bệnh sinh thì tế bào gốc sẽ phát huy được hết vai trò. Còn nếu hiểu tế bào gốc giống như một công cụ vạn năng, tức đã “thần thánh hóa”, thì có thể đâu đó thấy thất bại vì đã định nghĩa sai ngay từ đầu.
Thế nhưng trên thị trường hiện nay, tế bào gốc hiện được rao bán rầm rộ, công khai với lời hứa chữa trị được nhiều loại bệnh khiến người dùng như rơi vào ma trận. Tại các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, website… có hàng trăm nghìn bài viết rao bán sản phẩm từ tế bào gốc, đặc biệt là trong lĩnh vực làm đẹp. Giá các loại tế bào gốc này từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, đa số được quảng cáo có thành phần nhau thai, màng ối, cuống rốn…
Nhiều bác sỹ cho rằng, các sản phẩm được rao bán rất có thể không phải tế bào gốc, mà là một sản phẩm không tinh khiết. Chưa kể, người thực hiện kỹ thuật tiêm thao tác không đảm bảo vô trùng nên đã đưa thêm vi khuẩn vào cơ thể bệnh nhân qua vết tiêm. Một số chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ thì cho rằng thứ được quảng cáo “tế bào gốc” cũng có thể là chất kích thích tuyến nội tiết (thượng thận, giáp, sinh dục) trong cơ thể hoạt động. Người được tiêm ban đầu có cảm giác hưng phấn, khỏe, trẻ lại nhưng hậu quả lâu dài như thế nào thì y học chưa thể xác định.
BS Phạm Nguyên Quý, chuyên ngành Ung thư, Đại học Kyoto, Nhật Bản, cho biết ngày nay nhiều gia đình chi hàng tỷ đồng đưa người thân ra nước ngoài tiêm tế bào gốc chữa ung thư. Theo bác sĩ Quý, tình trạng này phổ biến một phần là do tế bào gốc được quảng cáo phóng đại, không được kiểm soát. Còn theo bác sĩ Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm tế bào gốc và di truyền, Bệnh viện Bưu điện, nhiều người đang lạm dụng thuật ngữ tế bào gốc, hiểu lầm giữa tế bào gốc và tinh chất hoặc dung dịch nuôi cấy tế bào gốc.
Tinh chất là chất chiết ra, có thể bảo quản ở nhiệt độ thường, còn tế bào gốc thật yêu cầu một quy chuẩn nghiêm ngặt trong thu thập, xử lý, bảo quản và vận chuyển mẫu. Chưa kể, chi phí để lưu trữ tế bào gốc cũng rất cao, lên đến hàng chục triệu đồng. “Do đó, mọi quảng cáo tiêm tế bào gốc theo liệu trình với hàng chục lọ như các spa hoặc mạng xã hội chỉ là lừa bịp, thậm chí nguy hiểm”, bác sĩ Long nói.