SKĐS – Chúng ta dành nhiều thời gian để bảo vệ và chăm sóc làn da nhưng lại ít quan tâm đến việc làm sạch sâu và thanh lọc cho tóc. Vậy tóc có cần thải độc và khi nào thì nên thải độc để duy trì độ bóng mượt cho mái tóc?
Khi nào cần thải độc cho tóc?
Tóc hư tổn đồng nghĩa với việc đã đến lúc phải thải độc cho tóc. Sức khỏe của tóc bắt đầu từ da đầu. Theo thời gian, hóa chất, các sản phẩm tạo kiểu cho tóc, ô nhiễm môi trường và mồ hôi có thể thấm vào da đầu, cản trở sự phát triển của tóc khỏe mạnh và có thể là thủ phạm gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trên da đầu.
Chỉ gội đầu thôi không làm sạch da đầu đủ sâu để loại bỏ tạp chất ô nhiễm và bụi bẩn. Để chữa lành tóc hư tổn, hãy thực hiện các liệu pháp thải độc để giúp tóc khỏe mạnh trở lại. Thải độc tóc là làm sạch sâu cho da đầu và tóc để làm mới và phục hồi sức khỏe cho mái tóc. Vậy làm thế nào để biết đã đến lúc phải thải độc cho tóc?
Một số dấu hiệu có thể cho thấy sự tích tụ bã nhờn và lượng dầu dư thừa đang tích tụ trên da đầu và đã đến lúc phải thải độc:
- Da đầu bị ngứa: Thông thường, da đầu ngứa, bong tróc là dấu hiệu cho thấy chân tóc đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng hoặc có thể bị gàu.
- Da đầu nhờn, tóc bết dầu: Da đầu nhờn là dấu hiệu của sự mất cân bằng. Các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức trên da đầu tạo ra quá nhiều dầu, có thể gây tích tụ ở chân tóc.
- Tóc rụng nhiều hơn: Giảm lưu thông máu ở da đầu, khiến tóc rụng.
- Da đầu nhanh có mùi: Da đầu khỏe mạnh sẽ không có mùi. Nếu nhận thấy da đầu nhanh có mùi sau khi gội, có thể là dấu hiệu của sự tích tụ dầu cần được loại bỏ.
Các phương pháp thải độc tóc phổ biến, bao gồm:
– Gội rửa tóc sâu: Sử dụng các sản phẩm gội đầu chứa thành phần làm sạch sâu như các axit hoặc enzym để loại bỏ cặn bã nhờn và chất còn dư thừa.
– Làm tóc sạch từ bên trong: Bao gồm việc thay đổi chế độ ăn uống và chăm sóc sức khỏe tổng thể để cung cấp dưỡng chất cho tóc từ bên trong, làm tóc trở nên khỏe mạnh và sáng bóng.
– Sử dụng sản phẩm thải độc: Có nhiều sản phẩm chuyên dụng có khả năng loại bỏ các chất cặn bã nhờn và hóa chất khỏi tóc, ví dụ như sản phẩm chứa axit salicylic, sulfate, hoặc các thành phần khác. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, cần đảm bảo không gây hại cho sức khỏe hoặc gây kích ứng da.
– Làm sạch bằng cách tự nhiên: Một số người ưa thích các phương pháp tự nhiên như gội tóc bằng baking soda hoặc xả tóc bằng nước chanh, cũng là cách thải độc tóc hiệu quả.
– Điều trị chuyên nghiệp: Đôi khi, có thể cần đến salon tóc hoặc spa chuyên nghiệp để thực hiện liệu pháp thải độc tóc bằng các sản phẩm và công cụ chuyên dụng.
Quá trình thải độc tóc có thể giúp tóc trở nên mềm mại hơn, giảm bết dầu, và tạo điều kiện tốt hơn cho sự phục hồi. Tuy nhiên, quá trình này cần thời gian và kiên nhẫn, và không nên lạm dụng hoặc thực hiện quá thường xuyên để tránh làm hỏng tóc.
Các biện pháp tự nhiên thải độc cho tóc và da đầu
Những nguyên nhân gây hư tổn tóc phổ biến nhất là sử dụng nhiều sản phẩm tạo kiểu tóc hóa học, hoặc nhuộm màu, tẩy trắng… Các chất hóa học phá vỡ sự cân bằng axit – kiềm bình thường của da đầu và khiến da đầu dễ gặp vấn đề. Trước hết, hãy ngừng sử dụng để giảm hư tổn, cắt tỉa tóc để loại bỏ phần tóc chẻ ngọn, hư tổn… sau đó tiến hành thải độc tóc và da đầu, bằng cách:
– Trộn một phần dầu thầu dầu với hai phần dầu dừa: Đun nóng và thoa lên tóc. Sau đó nhúng khăn vào nước nóng, vắt khô rồi quấn khăn nóng quanh đầu như khăn xếp. Giữ trong 5 phút và lặp lại việc quấn khăn nóng 3 hoặc 4 lần. Điều này giúp tóc và da đầu hấp thụ dầu tốt hơn. Tránh massage và chà xát mạnh khi thoa dầu.
– Sử dụng baking soda để thải độc cho tóc: Natri bicarbonate là một chất tẩy rửa đặc biệt và là chất tẩy tế bào chết tuyệt vời giúp loại bỏ nhẹ nhàng sự tích tụ của bã nhờn và tạp chất. Trộn nửa cốc baking soda với 3 cốc nước ấm và mát xa da đầu với hỗn hợp này trong vài phút rồi xả sạch, sẽ loại bỏ sự tích tụ dầu trên da đầu và chống gàu. Có thể sử dụng một lần một tuần.
– Giấm táo làm sạch sâu, đồng thời tạo độ bóng cho tóc: Trộn 2 thìa giấm táo vào một cốc nước. Gội đầu và dưỡng tóc như bình thường, sau đó đổ giấm táo pha loãng lên tóc. Đây là cách thải độc dễ dàng nhất và bạn có thể sử dụng mỗi tuần một lần.
– Thải độc tóc bằng muối biển: Trộn hai phần muối biển với một phần dầu gội và thoa lên tóc cho đến khi tạo bọt. Rửa sạch bằng nước mát sẽ loại bỏ được da chết. Bạn có thể sử dụng một lần trong một tháng.
Chế độ đinh dưỡng giúp thải độc tóc
Sức khỏe bên trong tốt sẽ hồi sinh mái tóc. Nước là một chất thải độc mạnh mẽ cho cơ thể. Vì vậy, cần uống đủ nước mỗi ngày.
Ăn trái cây và rau quả theo mùa giúp tiêu hóa tốt, tạo điều kiện hấp thụ các khoáng chất và vitamin giúp da và tóc khỏe mạnh. Bạn có thể thêm lô hội, bơ và củ cải đường vào chế độ ăn uống để thải độc tóc một cách tự nhiên.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thải độc tóc bằng trà thảo mộc. Pha trà với một thìa canh các loại thảo mộc như hương thảo, hoa cúc có tác dụng loại bỏ độc tố và tạo cảm giác thư giãn hoặc thêm các loại gia vị như gừng, bạch đậu khấu, quế và hạt tiêu vào trà rồi sử dụng.
Thỉnh thoảng thực hiện chương trình thải độc, bạn có thể phục hồi sức khỏe và vẻ đẹp của tóc. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu đang mắc các bệnh về da đầu như viêm da tiết bã, bệnh vẩy nến, bệnh chàm hoặc rụng tóc bệnh lý, thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.