Bỏ bữa sáng, thức khuya, dùng bữa tối muộn, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
BS.CKI Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh tiểu đường type 2 thường gặp ở người trên tuổi trung niên. Tuy nhiên, những năm gần đây bệnh có xu hướng trẻ hóa. Lối sống sinh hoạt không khoa học, béo phì, áp lực công việc căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ nội tiết, làm tăng tỷ lệ tiểu đường type 2.
Bỏ ăn sáng:
Khi nhịn ăn kéo dài, cơ thể sử dụng năng lượng thông qua quá trình phân giải lipid (tổng hợp và phân giải chất béo trong cơ thể). Người bỏ ăn sáng có nồng độ axit béo tự do trong máu cao hơn người ăn sáng đều đặn. Nồng độ axit tự do trong máu tăng cao ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose bằng cách làm gián đoạn tín hiệu thụ thể insulin ở cơ xương và gan, lâu dần gây ra tình trạng kháng insulin, tăng nguy cơ tiểu đường.
Ăn tối muộn, sát giờ đi ngủ:
Lúc này, nồng độ melatonin (hormone gây buồn ngủ) cao làm rối loạn kiểm soát lượng đường trong máu lâu dài, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy, dễ mắc bệnh tiểu đường hơn. Người bệnh tiểu đường ăn tối muộn khiến đường huyết khó kiểm soát, dễ bị tăng đường huyết vào sáng hôm sau.
Thức khuya, ngủ không đủ giấc:
Thói quen này làm tăng đường huyết do tăng đề kháng insulin – giai đoạn đầu tiên của quá trình rối loạn đường huyết ở người bình thường.
Người thường ngủ không đủ giấc dễ bị tăng tiết ghrelin (hormone gây cảm giác đói) và giảm tiết leptin (hormone tạo cảm giác no), khiến thèm ăn, muốn ăn khuya, dễ thừa cân béo phì – yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Bác sĩ Vũ cho biết tùy vào độ tuổi và cơ địa mỗi người sẽ có thời gian ngủ khác nhau. Người trưởng thành 18-60 tuổi cần ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm và duy trì thời gian ngủ đều đặn.
Ăn nhiều thức ăn nhanh:
Thức ăn nhanh thường tẩm ướp nhiều gia vị, chế biến qua nhiều công đoạn, nhiều dầu mỡ dễ làm tăng cân, béo phì, dư thừa mỡ trong cơ thể, nhất là mỡ nội tạng.
Tiêu thụ nhiều sản phẩm có đường, tinh bột:
Tinh bột và đường khi hấp thụ được chuyển hóa thành glucose (đường) trong máu. Ăn càng nhiều thực ẩm có chứa nhiều đường và tinh bột làm tăng lượng đường trong máu, dễ bị tiểu đường hơn.
Ít vận động:
Tập thể dục mỗi ngày có vai trò quan trọng trong việc giúp tuyến tụy hoạt động tốt hơn, tăng độ nhạy insulin, thúc đẩy tế bào hấp thụ glucose và chuyển hóa thành năng lượng. Ngược lại, ít vận động làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì dễ dẫn đến tiểu đường type 2.
Bác sĩ Vũ khuyên mỗi người, nhất là người có nguy cơ cao, nên có thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh như ăn nhiều rau xanh, giảm tiêu thụ nhiều tinh bột, đường, nước ngọt, bánh kẹo ngọt, thức ăn nhanh. Nên ăn uống điều độ, không bỏ bữa, không ăn tối quá khuya, tốt nhất trước 20h. Ngủ sớm và ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để giảm nguy cơ mắc tiểu đường. Kết hợp khám sức khỏe tổng quát thường xuyên ít nhất một lần mỗi để phát hiện bệnh sớm (nếu có) và có hướng điều trị phù hợp, tránh biến chứng.