Cơ thể không nhận đủ lượng calo cần thiết có thể khiến cơ bắp suy giảm, mệt mỏi, thiếu năng lượng và rụng tóc nhiều hơn.
Lượng calo tiêu thụ trong một ngày có thể ảnh hưởng đến cân nặng, mức độ thể lực và năng lượng để thực hiện các hoạt động khác. Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025, phụ nữ trưởng thành cần 1.600-2.400 calo và nam giới là 2.200-3.000 calo mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng calo trong ngày khác nhau tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi, chiều cao và lối sống.
Mặc dù cắt giảm calo nạp vào, tăng lượng đốt cháy là yếu tố cần thiết để giảm cân nhưng quá ít có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, cảm xúc và thể chất. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy cần tăng lượng calo nạp vào.
Cơ bắp suy giảm
Nếu không ăn đủ để đáp ứng tốc độ trao đổi chất cơ bản, cơ thể sẽ chuyển sang chế độ lưu trữ và huy động năng lượng từ nhiều vùng khác nhau, bao gồm cả cơ bắp. Điều này có thể gây mất khối lượng cơ nạc, ảnh hưởng đến sức khỏe xương.
Thường xuyên lạnh
Lượng calo nạp vào và nhiệt độ cơ thể cũng có mối liên hệ với nhau. Cơ thể cần đốt cháy một lượng calo nhất định để tạo ra nhiệt, giúp duy trì nhiệt độ bên trong. Nếu ăn ít calo, cơ chế này bị ảnh hưởng và đây là lý do một người thường xuyên cảm thấy lạnh.
Rụng tóc
Rụng tóc quá nhiều cảnh báo cơ thể không nhận đủ lượng calo. Hấp thụ đủ lượng calo, protein, biotin, sắt cùng các chất dinh dưỡng khác rất quan trọng để có mái tóc khỏe và mềm mại.
Cảm thấy khó chịu
Các chất dẫn truyền thần kinh gửi tín hiệu não để duy trì tâm trạng dễ chịu. Người không có đủ chất dinh dưỡng giúp điều chỉnh và thúc đẩy các chất dẫn truyền thần kinh này có thể cảm thấy chán nản, cáu kỉnh. Ăn ít calo hơn nhu cầu còn khiến nhanh đói, mất tập trung, làm giảm hiệu suất làm việc.
Cạn kiệt năng lượng
Hạn chế lượng calo khiến cơ thể tiết kiệm năng lượng cho các quá trình quan trọng, tạo nên cảm giác mệt mỏi suốt cả ngày. Ngoài cạn kiệt năng lượng, thiếu hụt calo cũng gây khó ngủ.
Hay đói
Chế độ ăn khắc nghiệt có thể dẫn đến giảm lượng mỡ dự trữ trong cơ thể, dẫn đến thiếu hụt nội tiết tố kiểm soát sự thèm ăn (leptin). Ăn khi cảm thấy đói giúp một người quản lý khẩu phần ăn tự nhiên, không cần tính toán lượng calo. Bằng cách này, cơ thể cũng có cơ chế điều chỉnh theo cảm giác đói và no theo hướng tự nhiên.
Miễn dịch kém
Ăn ít có nghĩa là cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng để duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và chống lại bệnh tật. Kết quả là bạn bị ốm thường xuyên hoặc có thể mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.