Béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tiểu đường type 2, nên giảm cân đúng cách có thể đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.
Bệnh tiểu đường type 2 là tình trạng cơ thể không có khả năng xử lý đường (glucose) để tạo năng lượng, dẫn đến hiện tượng tăng đường huyết. Bệnh lý này phát triển khi cơ thể kém nhạy cảm với insulin (hormone đưa glucose vào tế bào).
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 thường có các triệu chứng như khát nước quá mức, tiểu nhiều lần, mệt mỏi… Khi bệnh tiến triển, người bệnh thường có các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thần kinh, rối loạn chức năng tình dục, giảm thị lực, mắc bệnh thận.
Nghiên cứu về béo phì làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 được công bố trên tạp chí của Hiệp hội châu Âu về nghiên cứu Bệnh tiểu đường (EASD), do các chuyên gia của Khoa học Y tế, Đại học Copenhagen (Đan Mạch), thực hiện cho thấy người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khoảng 2,4 lần so với người có mức cân nặng bình thường.
Đặc biệt, người béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường. Theo nghiên cứu về mối liên hệ giữa tăng cân ở người trưởng thành và kháng insulin ở tuổi trung niên của các chuyên gia đến từ Đại học Leiden (Hà Lan), Đại học Quốc gia Singapore, mỡ thừa xung quanh gan và mỡ nội tạng (mỡ xung quanh các cơ quan của cơ thể) có vai trò ngăn chặn insulin, không cho glucose xâm nhập vào tế bào. Do đó, người có tỷ lệ mỡ cao thường khó đáp ứng với insulin.
Nhằm đảo ngược bệnh tiểu đường type 2, giảm cân là biện pháp tối ưu. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), giảm 5% lượng mỡ trong cơ thể nhờ thay đổi lối sống có thể đẩy lùi bệnh tiểu đường.
Dưới đây là những cách đơn giản giúp người thừa cân, béo phì kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Đặt mục tiêu giảm cân: Người bệnh nên đặt mục tiêu giảm cân cụ thể (ví dụ như giảm 2 kg mỗi tuần). Một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) đã theo dõi 867 người trong độ tuổi từ 40 đến 60 được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2. Kết quả, những người tham gia nghiên cứu giảm 10% trọng lượng cơ thể có thể tăng gấp đôi cơ hội đẩy lùi bệnh tiểu đường.
Ăn kiêng: Để giảm lượng calo hấp thụ, giảm cân, cần lựa chọn những thực phẩm lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng như rau, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt…, ăn nhiều bữa nhỏ.
Uống nhiều nước: Nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể, người bệnh cần bổ sung đủ lượng nước cần thiết, tránh uống đồ uống có cồn, soda.
Tập thể dục: Vận động thường xuyên bằng cách đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội… ít nhất 150 phút mỗi tuần có thể giảm cân hiệu quả.
Sau khi giảm cân, các triệu chứng của tiểu đường type 2 có thể thuyên giảm trong giai đoạn đầu điều trị. Một số nghiên cứu cho thấy việc giảm từ 10-15% trọng lượng cơ thể trong 2 năm sau khi chẩn đoán mắc tiểu đường có thể cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp mắc tiểu đường type 2 tiến triển có thể khắc phục triệu chứng bằng cách giảm 20-25% trọng lượng cơ thể.
Các chuyên gia nhận định không có khung thời gian nhất định để đảo ngược bệnh tiểu đường type 2 thành công. Các yếu tố cá nhân như tuổi tác, thời gian bạn mắc bệnh thừa cân hay béo phì… có thể ảnh hưởng tới thời gian chữa trị.
Sau khi khắc phục được các triệu chứng của tiểu đường type 2 nhờ giảm cân, duy trì thói quen lối sống lành mạnh, người bệnh có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường tái phát. Mỗi người cần đi khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ theo dõi, kiểm tra lượng đường trong máu, phát hiện sớm dấu hiệu tăng đường huyết để điều trị kịp thời.