Ăn rong biển có thể hỗ trợ sức khỏe đường ruột, cải thiện chức năng tuyến giáp, tăng cường hệ miễn dịch và mang đến lợi ích giảm cân.
Rong biển là những dạng tảo mọc ở biển. Chúng là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và có nhiều màu sắc từ đỏ, xanh lá cây đến nâu, đen. Từ lâu, rong biển đã là thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn của nhiều người châu Á, đặc biệt là trong ẩm thực Nhật Bản. Dưới đây là những lợi ích hấp dẫn cho sức khỏe khi ăn rong biển.
Cải thiện chức năng tuyến giáp
Tuyến giáp là cơ quan chịu trách nhiệm giải phóng hormone để giúp điều chỉnh sự tăng trưởng, năng lượng, sinh sản cũng như quá trình trao đổi chất. Để làm được điều này, tuyến giáp cần một số chất dinh dưỡng, trong số đó là i-ốt và axit amin tyrosine. Theo các nhà khoa học, cả hai chất dinh dưỡng này đều được tìm thấy trong rong biển.
Nếu không nạp đủ i-ốt, cơ thể người có thể bị bướu cổ và có tuyến giáp của bạn to ra trông thấy. Ngoài ra, tình trạng thiếu iốt cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ em trong quá trình phát triển, cả trong bụng mẹ và trong thời thơ ấu.
Hỗ trợ sức khỏe đường ruột
Rong biển có chứa các chất gồm: carrageenan, agar, fucoidan. Những chất này hoạt động như prebiotic (chất xơ không tiêu hóa) và hỗ trợ nuôi sống vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột. Bên cạnh đó, hàm lượng polysaccarit sunfat (đường có trong rong biển) cũng giúp tăng cường sự phát triển của vi khuẩn tốt và tăng axit béo ngắn hạn. Do đó, việc ăn rong biển có thể giữ cho niêm mạc ruột luôn khỏe mạnh.
Tốt cho hệ tim mạch
Một đánh giá dựa trên 100 nghiên cứu về lợi ích của rong biển, được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm Mỹ cho thấy, rong biển có thể được sử dụng để giúp giảm huyết áp và tăng cường sức khỏe tim mạch. Những lợi ích này phụ thuộc vào hàm lượng chất xơ hòa tan cao cũng như các chất dinh dưỡng có lợi cho tim như axit béo omega-3 ở rong biển.
Ổn định lượng đường trong máu
Rong biển màu nâu có chứa fucoxanthin, một chất chống oxy hóa mang lại màu sắc cho rau. Theo BBC Good Food, trong rong biển có chứa các hợp chất như carotenoid, fucoxanthin. Những chất này giúp giảm tình trạng kháng insulin, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong rong biển cũng góp phần giúp làm chậm tốc độ tiêu hóa.
Tăng cường hệ miễn dịch
Một số nghiên cứu cho thấy những hợp chất trong rong biển có thể làm giảm tải lượng virus, giúp rút ngắn thời gian bị cảm lạnh; đồng thời, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng thứ cấp. Theo các nhà khoa học, bên trong rong biển có chứa peptide ức chế men chuyển, chất chống oxy hóa như fucoxanthin (được tìm thấy trong các loại như rong biển wakame), chất xơ prebiotic, vitamin D và B12.
Giảm nguy cơ loãng xương
Quá trình oxy hóa từ các gốc tự do có liên quan đến một loạt vấn đề về sức khỏe, bao gồm loãng xương (mất xương). Trong rong biển có chứa các hợp chất chống oxy hóa, được gọi là fucoidan, đã được chứng minh là ngăn ngừa sự phân hủy xương bởi các gốc tự do. Bên cạnh đó, fucoidan còn giúp bảo vệ nguyên bào xương (tế bào chịu trách nhiệm xây dựng xương) và chống lại sự chết tế bào có thể gây ra bởi stress oxy hóa. Đặc biệt hơn, rong biển còn chứa vitamin K và canxi, hai chất dinh dưỡng quan trọng giúp xương chắc khỏe.
Hỗ trợ giảm cân
Một loại chất xơ tự nhiên được tìm thấy trong rong biển là alginate đã được chứng minh có khả năng ức chế các enzym giúp cơ chế tiêu hóa chất béo. Theo các nhà khoa học, alginate có thể cải thiện cảm giác no bằng cách trì hoãn quá trình làm rỗng dạ dày, giảm lượng thức ăn tiếp theo.
Ngoài ra, rong biển cũng chứa protein giúp tạo ra cảm giác no bằng cách tái hydrat hóa ngay khi thức ăn đi đến dạ dày. Đặc biệt hơn, rong biển còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và hương vị cho một lượng calo tối thiểu.
Lưu ý khi ăn rong biển
Mặc dù rong biển có một số lợi ích cho sức khỏe nhưng Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ vẫn khuyến nghị người dân nên tránh ăn quá nhiều loại thực vật biển ngon lành này. Bởi việc chứa quá nhiều iốt có thể có tác động tiêu cực đến tuyến giáp và làm trầm trọng thêm các triệu chứng như: lo lắng, mệt mỏi, khó chịu.
Ngoài ra, một số loại rong biển có nhiều kim loại nặng như thủy ngân, asen và chì. Do đó, người dùng cần kiểm tra kỹ bảng thành phần trước khi sử dụng thực phẩm bổ sung từ rong biển.