NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ BIẾN CHỨNG PHỔ BIẾN

NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ BIẾN CHỨNG PHỔ BIẾN

Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch vành. Vậy đâu là những dấu hiệu giúp nhận biết sớm và “giờ vàng” để can thiệp?

Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. (1)

Nếu lưu lượng máu không được phục hồi nhanh chóng, cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn và tử vong. Tại Mỹ, có khoảng 635.000 người bị nhồi máu cơ tim và khoảng 300.000 người bị nhồi máu cơ tim lần thứ hai mỗi năm. Cứ 7 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do bệnh tim mạch, trong đó có nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp?

Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp là do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị nứt hoặc vỡ, các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu đến bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng mạch, ngưng cấp máu nuôi cơ tim phía xa, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, gây suy tim hoặc đột tử.

Yếu tố nguy cơ khiến mảng xơ vữa bị nứt vỡ:

  • Hút thuốc lá;
  • Xúc động, căng thẳng quá mức;
  • Gắng sức quá mức;
  • Viêm hoặc nhiễm trùng như viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi mạn tắc nghẽn,…
  • Sau chấn thương, phẫu thuật…

Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp

Bệnh nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột, dữ dội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh bắt đầu từ từ với cảm giác đau nhẹ ở ngực cùng một số triệu chứng khó chịu khác. Vì vậy, hãy chú ý đến biểu hiện khác thường của cơ thể và đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn cảm thấy:

  • Khó chịu ở ngực: Cảm giác khó chịu ở vùng giữa ngực, bao gồm những cảm giác như đau, tức ngực hoặc có áp lực đè nặng lên đây. Tình trạng này có thể kéo dài vài phút hoặc xuất hiện rồi biến mất ngay lập tức nhưng lại nhanh chóng tái phát
  • Khó chịu ở nửa thân trên: Các triệu chứng có thể bao gồm đau hoặc khó chịu ở một hoặc hai tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày
  • Khó thở, hụt hơi.

Ngoài những biểu hiện trên, người bệnh còn có thể gặp phải một số dấu hiệu như:

  • Toát mồ hôi lạnh
  • Nôn, buồn nôn
  • Xây xẩm.

Đau ngực là triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, thực tế, đau ngực là triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân. Do đó, nhiều người băn khoăn làm sao để phân biệt cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim và cơn đau ngực do các bệnh lý khác.

Biến chứng nhồi máu cơ tim cấp 

Biến chứng nhồi máu cơ tim cấp thường do cơ tim bị tổn thương. Các biến chứng bao gồm:

Nhịp tim bất thường hoặc rối loạn nhịp

Tổn thương do nhồi máu cơ tim có thể ảnh hưởng đến cách thức các tín hiệu điện di chuyển trong tim, gây ra những thay đổi về nhịp tim (rối loạn nhịp tim). Một số trường hợp rất nghiêm trọng và gây chết người, đột tử.

Sốc tim

Tình trạng hiếm gặp này xảy ra khi tim đột ngột không thể bơm máu, xảy ra khi tổn thương khối lượng cơ tim lớn >40%.

Suy tim

Mô cơ tim bị tổn thương nhiều có thể khiến tim không thể bơm máu. Suy tim có thể tạm thời (suy tim cấp) hoặc lâu dài (mãn tính).

Viêm màng ngoài tim

Đôi khi nhồi máu cơ tim gây ra tình trạng phản ứng hệ thống miễn dịch bị lỗi. Tình trạng này được gọi là hội chứng Dressler (viêm tràn dịch màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim).

Ngưng tim

Tim bỗng nhiên ngừng đập mà không có bất cứ một tín hiệu nào báo trước. Sự thay đổi tín hiệu đột ngột của tim gây ngừng tim. Cơn nhồi máu cơ tim cấp làm tăng nguy cơ và đe dọa tính mạng người bệnh, có thể dẫn đến tử vong (đột tử do tim) nếu không được điều trị ngay lập tức.

Ai có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp?

Nhồi máu cơ tim cấp có khả năng xuất hiện cao hơn ở các đối tượng sau: (2)

  • Người cao tuổi, nam trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh;
  • Người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn;
  • Rối loạn mỡ máu di truyền;
  • Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá;
  • Trong gia đình có người thân trực hệ (cha, mẹ, anh chị em ruột) bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ não sớm trước 55 tuổi (đối với nam) và trước 65 tuổi (đối với nữ);
  • Có bệnh lý miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống, vẩy nến, xơ cứng bì…
  • Sử dụng chất kích thích: cocaine, amphetamine làm co thắt động mạch vành.

Biến chứng sau cơn nhồi máu cơ tim

Nếu không được sơ cứu đúng cách và can thiệp kịp thời, người bị nhồi máu cơ tim cấp có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Suy tim nặng hoặc sốc tim: Người bệnh khó thở, huyết áp thấp cần được hỗ trợ máy thở, thuốc vận mạch, dụng cụ hỗ trợ tim (bóng đối xung động mạch chủ),…
  • Rối loạn nhịp, có thể dẫn đến đột tử;
  • Hở van 2 lá nặng do đứt dây chằng lá van;
  • Thủng cơ tim ở vách liên thất gây thông nối thất trái và thất phải;
  • Thủng vách tim ở thành tự do gây tràn máu màng tim hoặc vỡ tim.

Chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim thường được chẩn đoán trong trường hợp khẩn cấp. Trước hết, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử của người bệnh. Tiếp đó sẽ đo huyết áp, mạch và nhiệt độ; đồng thời thực hiện các kiểm tra sức khỏe tim tổng thể.

Các xét nghiệm để chẩn đoán nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG): cận lâm sàng đầu tiên được thực hiện để chẩn đoán nhồi máu cơ tim, bằng cách ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Các điện cực được gắn vào ngực,  cánh tay và chân. Tín hiệu có dạng sóng được in lại trên giấy hoặc hiển thị trên màn hình. Điện tâm đồ nhồi cơ tim có thể cho biết người bệnh đang bị hoặc có tiền sử mắc bệnh trong quá khứ.
  • Xét nghiệm máu: Một số protein tim từ từ rò rỉ vào máu sau khi tim bị tổn thương do nhồi máu cơ tim, gọi là men tim (troponin). Xét nghiệm máu có thể kiểm tra các protein này (chất chỉ điểm tổn thương hoại tử cơ tim).
  • Chụp X-quang lồng ngực: Cho biết tình trạng, kích thước của tim và phổi, các nguyên nhân khác gây đau ngực.
  • Siêu âm tim: cho biết cách máu di chuyển qua tim và van tim, chức năng co bóp của cơ tim. Siêu âm tim có thể giúp xác định xem một vùng tim có bị tổn thương hay không.
  • Chụp mạch vành: Một ống dài, mỏng (ống thông) được đưa vào động mạch, thường là ở tay và dẫn đến tim. Thuốc cản quang được bơm qua ống thông để giúp hình ảnh các động mạch hiển thị rõ ràng hơn trong quá trình kiểm tra.

Sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim đúng cách

  • Đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm, nới lỏng thắt lưng, quần áo để giúp máu lưu thông dễ dàng.
  • Gọi 115 hoặc số điện thoại khẩn cấp của bệnh viện gần nhất. Nếu không thể chờ xe cấp cứu đến, hãy chủ động thuê taxi hoặc tự mình chở bệnh nhân đến bệnh viện.
  • Cho bệnh nhân nhai và nuốt một viên aspirin trong khi chờ cấp cứu. Aspirin giúp ngăn ngừa tình trạng đông máu, giảm nguy cơ tổn thương tim. Không dùng aspirin nếu bệnh nhân bị dị ứng với thuốc.
  • Ép tim ngoài lồng ngực (Hồi sinh tim phổi – CPR): Tiến hành càng sớm càng tốt vì cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống.

 

Sức khỏeカテゴリの最新記事