Nước chiếm vai trò quan trọng, tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể nên uống ít nước có thể gây ra những tác động khác nhau.
Đau đầu
Đau đầu có thể do một số yếu tố gây ra nhưng mất nước là nguyên nhân hàng đầu. Nếu nghi ngờ đau đầu do mất nước, thay vì uống thuốc giảm đau thì hãy thử uống thêm nước. Uống nước liên tục trong ngày thay vì chờ cảm thấy khát mới uống cũng là cách phòng ngừa những cơn đau đầu.
Táo bón
Chất lỏng giúp bôi trơn các khớp và mô trong cơ thể đồng thời hỗ trợ quá trình vận chuyển các chất bên trong đường tiêu hóa. Không uống đủ nước có thể làm chậm quá trình bài tiết dẫn đến tích tụ phân gây cảm giác khó chịu. Ngoài việc kéo dài thời gian đi vệ sinh, tình trạng này gây táo bón và lâu ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Nhanh đói
Nếu cảm thấy nhanh đói hơn bình thường, có thể là do bạn không uống đủ nước. Khi bị mất nước, cơ thể sẽ đưa ra tín hiệu đói, “đòi” ăn nhiều thức ăn mặn hoặc tinh bột nhằm giữ nước trong cơ thể. Nước cũng có tác dụng hỗ trợ quá trình hydrat hóa (bổ sung nước vào quá trình hoạt động của tế bào). Cùng với đó, nước còn giúp tiêu hao lượng calo dư thừa trong cơ thể.
Mệt mỏi và khó tập trung
Thiếu nước có thể làm trì trệ một số hoạt động từ đó gây ra tình trạng mệt mỏi.
Mặt khác, bộ não được tạo thành từ 80% là nước. Thế nên, chỉ mất nước nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng tập trung. Thực tế, mức độ mất nước nghiêm trọng hơn còn gây ra các triệu chứng thần kinh như lú lẫn và mê sảng.
Tăng nguy cơ say nắng
Chuột rút do nhiệt, kiệt sức vì nóng và say nắng đều liên quan đến tình trạng mất nước. Những tình trạng này thường gặp ở những người chơi thể thao nhưng bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải. Nhiệt độ nóng bức có thể làm trầm trọng thêm trạng thái mất nước và tăng khả năng mắc những bệnh lý liên quan. Nếu bị mất nước do say nắng, hãy uống nước và tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Trao đổi chất trì trệ
Uống đủ chất lỏng mang tới nhiều lợi ích, một trong số đó có thể là tăng cường trao đổi chất và dẫn đến giảm cân. Nghiên cứu cho thấy sự trao đổi chất của những người tham gia tăng 30% sau khi uống khoảng 500 ml nước. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng một người tăng lượng nước uống lên 1,5 lít mỗi ngày có thể đốt cháy thêm 17.400 calo trong một năm. Con số này có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong quá trình giảm cân.
Nhịp tim tăng lên
Nếu nhận thấy nhịp tim cao hơn bình thường hãy nghĩ đến tình trạng mất nước. Khi không uống đủ nước, trái tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, dẫn đến nhịp tim cao hơn. Thường xuyên uống nước hoặc đủ chất lỏng có thể giúp hệ thống tim mạch hoạt động hiệu quả hơn.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ, nam giới trưởng thành cần uống khoảng 15,5 cốc nước mỗi ngày trong khi phụ nữ cần khoảng 11,5 cốc. Lượng nước này là lượng chất lỏng bạn uống từ nước, trà, cà phê, nước trái cây và sữa. Một số loại trái cây và rau củ cũng có thể chứa nhiều nước như dưa, cần tây, dưa chuột và cà chua…