Polyp đại tràng là một bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa không ít người gặp phải. Mặc dù chỉ có một tỷ lệ nhỏ tiến triển thành ung thư đại tràng, nhưng nếu phát hiện đều được bác sĩ khuyến cáo theo dõi chặt chẽ.
Polyp đại tràng là gì?
Polyp là khối u lồi trong lòng đại trực tràng, được hình thành do sự tăng sinh quá mức niêm mạc đại trực tràng. Trên thực tế, có nhiều khối nhô lên nhìn bề ngoài rất giống polyp nhưng không phải polyp như u cơ, u mỡ…Polyp là một thuật ngữ chung, không đặc hiệu, sử dụng cho bất cứ khối u nào nằm lồi lên trên bề mặt đại trực tràng. Phần lớn các polyp ở dạng u lành tính; tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhất định có thể tiến triển thành ung thư đại tràng, có thể gây tử vong. Vì lý do này nên bạn cần được theo dõi định kỳ nếu có polyp đại tràng.
Các loại polyp đại tràng
Không phải bệnh polyp đại tràng nào cũng giống nhau. Polyp đại tràng được chia thành 2 loại chính là tăng sản và u tuyến.
- Tăng sản: Đây là loại polyp không có nguy cơ trở tiến triển sang giai đoạn ác tính thành ung thư. Polyp tăng sản thường nhỏ (kích thước dưới 5mm), hay nằm ở vị trí cuối trực tràng hoặc đại tràng sigma.
- U tuyến: Phần lớn trường hợp ung thư đại tràng là từ loại polyp này (tuy nhiên không phải tất cả u tuyến đều gây nguy hiểm). Polyp u tuyến càng có kích thước lớn thì nguy cơ trở thành ung thư càng cao. Dựa vào mô hình phát triển mà u tuyến được chia nhỏ ra thành các loại nhỏ hơn như:
- Polyp u tuyến ống (tubular adenoma): thường gặp nhất, chiếm tỉ lệ khoảng 80%, thường kích thước ít khi lớn hơn 25 mm, bề mặt tương đối láng và thường có cuống. Về vi thể, cuống polyp được phủ bởi lớp niêm mạc đại tràng bình thường, bên trong là mô đệm sợi liên kết-mạch máu xuất phát từ lớp dưới niêm mạc. Phần đầu polyp được tạo bởi biểu mô ruột tăng sản và loạn sản, tạo thành các ống tuyến méo mó sắp xếp chen chúc với nhau, tế bào tuyến có nhân tăng sắc. Khoảng 20- 25% các polyp u tuyến ống có thành phần dạng nhánh, sự hiện diện của thành phần nhánh làm cho polyp dễ trở thành ung thư. Xuất độ trở thành ung thư là 3-5% cho các polyp u tuyến ống nói chung.
- Polyp u tuyến nhánh (villous adenoma): chiếm tỉ lệ 5-15%, có trên 75% cấu trúc nhánh thì được gọi là polyp u tuyến nhánh. Chủ yếu gặp ở trực tràng (50- 55%), đại tràng chậu hông (30%) và đại tràng xuống (10%). Polyp u tuyến nhánh có thể có kích thước lớn trên 3cm (có thể đạt đến 100mm), sần sùi như bông cải và không có cuống. Về vi thể, polyp u tuyến nhánh tạo bởi biểu mô ruột tăng sản và loạn sản, tạo thành các cấu trúc dạng nhánh giống nhung mao ruột. Polyp u tuyến nhánh là tổn thương tiền ung thư: 10% các u có ung thư tại chỗ và 25-40% có ung thư xâm nhập.
- Polyp u tuyến ống-nhánh (tubulo-villous adenoma): chiếm 5-15%, là dạng hỗn hợp của hai loại trên. Polyp có kích thước thay đổi, có cuống hoặc không có cuống. Thành phần nhánh chiếm tỉ lệ khoảng từ 25-75%, có thể có hình thái của ung thư xâm nhập thành phần nhánh.
- Polyp u tuyến răng cưa: có cấu trúc răng cưa gần giống với polyp tăng sinh nhưng có tế bào loạn sản, có khả năng tiến triển thành ung thư đó là: SSL (sessile serrated lesions), TSA (traditional serrated adenoma). SSL hay gặp ở đại tràng lên, các polyp này có bề ngoài giống như đám mây, thường bằng phẳng, có thể phủ lớp nhầy trên bề mặt. Về mặt mô học, SSL chứa các bất thường về cấu trúc, tăng sinh đáng kể và thường xuyên biểu hiện loạn sản. SSL nên cắt bỏ hoàn toàn, tuy nhiên do đường viền không rõ ràng, cần cẩn thận để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn polyp qua nội soi. TSA thường gặp ở trực tràng, đại tràng sigma và có thể có cuống hoặc không cuống. TSA có loạn sản tế bào nhưng thường nhẹ.
Nguyên nhân gây ra polyp đại tràng
Nguyên nhân gây polyp đại tràng chính xác vẫn chưa được xác định nhưng sự phân chia và phát triển tế bào nhiều hơn bình thường được xem là lý do chính. Cụ thể polyp là kết quả của những thay đổi di truyền trong tế bào niêm mạc đại tràng ảnh hưởng đến chu kỳ sống của tế bào bình thường.
Yếu tố này có liên quan tới một số vấn đề dưới đây:
- Tuổi tác: Hầu hết những người bị polyp đại tràng ở lứa tuổi từ 50 trở lên
- Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người bị bệnh polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh. Càng nhiều thành viên trong gia đình mắc bệnh thì nguy cơ bạn gặp phải càng cao.
- Hút thuốc và uống rượu quá mức: Thường xuyên uống rượu – hút thuốc hoặc kết hợp cả 2 làm tăng nguy cơ phát triển polyp đại tràng.
- Một số rối loạn di truyền: Một số ít người bị polyp đại tràng có liên quan tới hội chứng Gardner (hội chứng đa polyp gia đình), hội chứng Lynch (một căn bệnh làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, trong đó có cả ở ruột), Polyposis vị thành niên (bệnh gây ra nhiều khối u lành tính trong ruột) hay hội chứng Peutz-Jeghers (bệnh gây ra polyp ruột, làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng),…
- Béo phì, lười vận động và tiêu thụ nhiều chất béo: Đây cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh.
- Chủng tộc: Những người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tiến triển ung thư đại tràng cao hơn bình thường
Dấu hiệu polyp đại tràng
Hầu hết người bị polyp đại tràng không có triệu chứng rõ rệt nào cho tới khi thăm khám y tế. Ngoài ra nếu có xuất hiện các biểu hiện polyp đại tràng dưới đây thì không ít người lại nhầm lẫn qua các vấn đề tiêu hóa khác. Do đó để giảm nguy cơ bỏ qua bệnh, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt nếu gặp phải:
- Chảy máu trực tràng: Đây không chỉ là một trong các dấu hiệu của bệnh polyp đại tràng mà nó còn có thể là biểu hiện của bệnh trĩ hoặc tình trạng rách hậu môn.
- Phân có màu bất thường: Polyp đại tràng có thể khiến phân có thể có màu đen hoặc xuất hiện các tơ máu – dấu hiệu của tình trạng chảy máu trong đại tràng. Tuy nhiên sự thay đổi màu sắc của phân cũng có liên quan tới một số loại thực phẩm hoặc thuốc/ thực phẩm chức năng.
- Thay đổi thói quen đi tiêu: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài bất thường, không thuyên giảm là biểu hiện cảnh báo nguy cơ đang có u polyp, nặng hơn là ung thư đại tràng.
- Đau bụng: Người bị polyp đại tràng có thể thường xuyên thấy đau quặn bụng do bệnh gây tắc nghẽn một phần ruột.
- Thiếu máu: Chảy máu polyp có thể diễn ra âm thầm trong thời gian dài gây sụt giảm lượng sắt cần thiết cho cơ thể; kéo theo sự giảm bớt các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy. Điều này khiến người bệnh hay cảm thấy mệt mỏi và khó thở.
Biện pháp chẩn đoán polyp đại tràng
Để ngăn ngừa nguy cơ ung thư đại trực tràng, việc chẩn đoán và phát hiện sớm các polyp là điều rất quan trọng. Các xét nghiệm tầm soát polyp đại tràng bao gồm:
- Nội soi đại tràng: Giúp quan sát tình trạng bên trong đại tràng. Nội soi có khả năng loại bỏ hầu hết các polyp để kiểm tra nguy cơ ung thư.
- Chụp cắt lớp CT: Phương pháp này còn được gọi là nội soi đại tràng ảo nhằm chụp ảnh đại tràng từ bên ngoài. Cách chẩn đoán này không thể lấy polyp. Nếu có dấu hiệu bất thường nào thì người bệnh sẽ cần nội soi đại tràng thường xuyên.
- Nội soi đại tràng sigma: Xét nghiệm này tương tự như nội soi đại tràng nhưng không quá phức tạp. Nếu người bệnh có polyp thì nội soi đại tràng sigma có thể loại bỏ được.
- Xét nghiệm phân: Đây là xét nghiệm DNA trong phần kiểm tra sự thay đổi gen. Nếu xét nghiệm có vấn đề, người bệnh sẽ cần phải nội soi.
Bị polyp đại tràng có nguy hiểm không?
Bởi nguy cơ ung thư nên polyp đại tràng không phải là tình trạng bệnh lý mà chúng ta có thể xem nhẹ. Tốt hơn hết cần kiểm tra và phát hiện sớm cũng như thực hiện loại bỏ polyp càng sớm càng tốt.
Phòng ngừa bệnh polyp đại tràng
Cách phòng ngừa bệnh polyp đại tràng tốt nhất là thường xuyên tầm soát và loại bỏ polyp khi có. Ngoài ra chúng ta có thể giảm bớt nguy cơ gặp phải polyp đại tràng nhờ vào các thói quen lành mạnh như sau:
- Tăng cường trái cây, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc giàu chất xơ vào chế độ ăn hằng ngày.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, vóc dáng cân đối; nên giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì
- Không ăn quá nhiều các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt dê, thịt cừu,…
- Tập thể dục với cường độ vừa phải, đều đặn mỗi ngày
- Không lạm dụng bia rượu, thuốc lá
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung canxi và vitamin D hoặc dùng aspirin thường xuyên để giảm tỷ lệ ung thư đại tràng