Sở hữu một thân hình thon gọn hay một vóc dáng cân đối là điều mà ai cũng ao ước. Tuy nhiên nhiều người thường gặp tình trạng tăng cân mất kiểm soát làm cản trở mong muốn này. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu?
Cân nặng luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm và kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là với chị em phụ nữ bởi nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như ngoại hình của mỗi người. Việc tăng cân mất kiểm soát khiến nhiều người cảm thấy lo lắng và tự ti về ngoại hình của mình, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây tăng cân mất kiểm soát
Nhiều người thường thắc mắc rằng mình ăn ít, ăn kiêng hoặc tập luyện thể dục thường xuyên nhưng không hiểu sao cân nặng vẫn tăng thêm không kiểm soát. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này.
Rối loạn nội tiết tố
Theo các chuyên gia, những vấn đề về nội tiết tố như suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang, kháng insulin,… có thể là nguyên nhân khiến bạn tăng cân và gây khó khăn trong việc giảm cân. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng nội tiết tố tạo ra những thay đổi trong tâm trạng cũng khiến bạn luôn có cảm giác thèm ăn.
Nếu hormone estrogen suy giảm cũng khiến cơ thể phụ nữ có xu hướng tăng cân. Ngoài ra, tuyến giáp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi chất nên nếu chúng bị suy yếu sẽ khiến hormone cortisol và insulin tăng lên, gây tăng cân đột ngột.
Chế độ ăn uống không hợp lý
Nếu bạn không tính toán lượng thức ăn mỗi ngày nạp vào cơ thể thì nỗ lực giảm cân rất dễ đổ sông đổ bể. Nhiều người ăn ít nhưng lại chọn thực phẩm chứa quá nhiều calo, không bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết khác sẽ khiến cơ thể luôn thèm ăn và ăn thành nhiều bữa nhẹ khác nhau trong ngày.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, lượng calo trung bình một người cần trong một ngày là khoảng 1600 – 2400 calo. Do đó, bạn hãy chú ý lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe và kiên trì theo một thực đơn ăn kiêng khoa học, phù hợp với bản thân mình.
Do gen di truyền
Có thể bạn có một cơ địa dễ tăng cân, tức là trong cơ thể bạn mang một loại gen quy định sự béo phì, dẫn đến khả năng hấp thụ các loại chất béo sẽ tốt hơn so với những người không mang gen này. Dù thực hiện chế độ ăn, ngủ, luyện tập nhưng kết quả bạn nhận được lại chậm hơn hoặc thậm chí rất khó để giảm cân thành công.
Bệnh đường tiêu hóa
Bệnh liên quan đến đường tiêu hóa bao gồm giảm nhu động ruột có thể gây tăng cân. Thông thường, sau khi ăn khoảng 1 tiếng, nhu động ruột sẽ thúc đẩy tiêu hóa thức ăn. Nếu nhu động ruột giảm sẽ khiến không kiểm soát được quá trình tiêu hóa. Nguyên nhân có thể do nhu động ruột thiếu nước, do thuốc, ăn thiếu chất xơ hoặc thiếu hệ vi sinh men đường ruột.
Bệnh lý khác
Nhiều bệnh lý như trầm cảm, bệnh tuyến giáp hay một số loại ung thư có thể gây tăng cân không chủ ý. Một số loại thuốc có tác dụng phụ làm giảm cân khiến người bệnh có khuynh hướng ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo và năng lượng. Ngoài ra, những bệnh làm giảm vận động như viêm khớp có thể gây tăng cân gián tiếp qua việc hạn chế hoạt động của bạn.
Các thói quen sinh hoạt khiến bạn tăng cân nên hạn chế
Bên cạnh những lý do về mặt y học như trên thì một số thói quen trong sinh hoạt cũng là những nguyên nhân phổ biến gây tăng cân.
Hay ăn vặt: Ăn vặt nhiều gây mập là điều dễ hiểu vì điều này khiến cơ thể nạp vào lượng calo không cần thiết. Bên cạnh đó, việc ăn các món đồ chế biến sẵn tuy ngon miệng và tiện lợi nhưng lại chứa nhiều đường, chất béo ảnh hưởng đến cân nặng cũng như tiềm ẩn nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Bỏ bữa sáng, tối: Nhiều người lầm tưởng việc bỏ bữa sẽ giảm lượng năng lượng nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cơ thể có xu hướng lưu trữ bữa ăn tiếp theo nhiều hơn và khiến bạn tăng cân.
Quá ít vận động: Vận động ít khiến quá trình chuyển hóa trong cơ thể giảm đi cũng như hạn chế cơ hội đốt cháy calo. Nếu chỉ nạp vào mà không thải calo cũng dẫn đến tăng cân.
Ngủ không đủ hoặc ngủ quá nhiều: Ngủ ít hơn 5 tiếng làm gia tăng quá trình sản xuất chất béo. Ngủ nhiều hơn 8 tiếng sẽ làm rối loạn chức năng trao đổi chất, giảm thiểu thời gian vận động của cơ thể, gây tích trữ calo và tăng cân mất kiểm soát.
Giải pháp duy trì cân nặng ổn định
Để khắc phục tình trạng tăng cân không kiểm soát, bạn cần xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này. Dưới đây là 2 giải pháp chung nhất về chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt mà bạn cần cải thiện:
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Hãy tính toán lượng calo cần nạp vào mỗi ngày để có một chế độ ăn uống lành mạnh, không để thiếu chất mà cũng không thừa năng lượng. Không bỏ bữa, hạn chế ăn vặt và cân nhắc lượng calo trong thức ăn mà mình tiêu thụ.
Thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh: Nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo cơ thể luôn có đủ sức khỏe và năng lượng. Tập luyện thể dục thường xuyên với các bài tập vừa sức và kiên trì thực hiện mỗi ngày.