Ăn khoai lang tốt cho sức khoẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn ăn đúng cách, đúng thời điểm và ăn vừa đủ. Dưới đây là những tác dụng của khoai lang và cách ăn khoai lang đúng cách.
Tác dụng của khoai lang
Giúp tăng cường hệ thống miễn dịch
Bài viết trên Báo Sức khoẻ & Đời sống chỉ ra, khoai lang là nguồn cung cấp beta-carotene phong phú. Trong khoai lang có carotenoid, một chất chống oxy hóa giúp gan chuyển đổi beta-carotene tiêu thụ thành các loại vitamin giúp tăng cường sức khỏe.
Lượng beta-carotene đủ để tạo ra các rào cản niêm mạc ngăn vi khuẩn và chất độc trong môi trường xâm nhập vào cơ thể, giúp cơ thể ngăn ngừa, chống lại nhiễm trùng và có hệ thống miễn dịch hoàn thiện hơn.
Bảo vệ đường tiêu hóa
Bổ sung khoai lang trong thực đơn cũng sẽ cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hoá. Đặc biệt, ăn khoai lang cả vỏ sẽ giúp quá trình tiêu hóa diễn ra ổn định hơn. Khoai lang chứa lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ và carbohydrate cao có tác dụng hỗ trợ chữa lành các vết loét dạ dày và ruột, điều trị hội chứng ruột kích thích nhờ chứa các chất chống ôxy hóa.
Ngoài ra, chất xơ trong khoai lang còn tạo môi trường để vi khuẩn có lợi trong ruột kết phát triển và giữ cho các tế bào niêm mạc ruột luôn khỏe mạnh.
Giảm viêm
Bạn có thể thêm khoai lang vào danh sách thực phẩm chống viêm. Loại củ này có nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin C, carotenoid và phenylpropanoid, giúp giảm viêm trong cơ thể, chống lại các bệnh mạn tính cũng như một số loại ung thư.
Tăng cường chữa bệnh
Khoai lang liên quan đến cải thiện thị lực (do chứa beta carotene và vitamin A), hệ miễn dịch tốt hơn (vitamin C và mangan) và xương chắc khỏe (mangan). Ăn khoai lang thường xuyên hữu ích cho làn da của bạn. Chuyên gia Lehmann nói: “Beta-carotene là một chất chống oxy hóa đẩy lùi tác hại của ánh nắng mặt trời, cải thiện nếp nhăn và tình trạng chảy xệ của da”.
Ăn khoai lang như thế nào cho tốt?
– Lượng khoai nên ăn mỗi ngày
Mặc dù các chuyên gia đều cho rằng ăn khoai lang mỗi ngày chắc chắn tốt cho sức khỏe nhưng cũng có rất nhiều loại rau củ bổ dưỡng khác để bạn thưởng thức. Một số nhà dinh dưỡng cho rằng, nếu đang ăn nhiều hơn một củ khoai mỗi ngày, bạn nên cân nhắc thay đổi để nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng khác.
Trong khi đó, một số chuyên gia nói rằng hàm lượng beta-carotene cao trong khoai lang có thể khiến da ngả sang màu cam nếu ăn quá nhiều.
– Những người không nên ăn khoai lang
Bệnh nhân tiểu đường cần thận trọng vì khoai lang chứa nhiều carbs. Hãy kết hợp khoai lang với protein và một ít chất béo để tránh tăng đột biến lượng đường trong máu.
Những người có tiền sử sỏi thận cũng nên lưu ý vì khoai lang chứa nhiều chất dinh dưỡng gọi là oxalate, có thể gây sỏi thận ở những người có nguy cơ cao.
– Thời điểm vàng nên ăn khoai lang
Ăn vào buổi sáng: Khoai lang cho bữa sáng là sự lựa chọn hoàn hảo cho thân hình của bạn vì vừa ít calo hấp thụ vào cơ thể, lại tạo cảm giác no lâu mà không có cảm giác đói, nhuận tràng, tốt cho người táo bón. Bạn có thể ăn kèm khoai lang với sữa chua, sữa nguyên kem hoặc salad, rau xanh… để đảm bảo đủ năng lượng.
Ăn vào buổi trưa: Buổi trưa là thời gian tốt nhất mà bạn nên ăn khoai lang, vì khi đó canxi trong cơ thể có thể hấp thụ trong vòng 3 – 4 tiếng, đặc biệt dưới ánh nắng mặt trời giúp canxi hấp thụ tốt nhất.